Di sản thừa kế là tài sản người chết để lại để phân chia cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Hỏi: Mẹ tôi năm nay 82 tuổi bà có 9 đứa con nhưng hiện giờ chỉ còn 4 người là người chị thứ 2, tôi, người em trai thứ 8 và người em gái út (những anh chị em khác của tôi chết khi còn nhỏ, có người có gia đình nhưng không có con và vợ chồng họ đã có gia đình mới). Mẹ tôi có 5650m2 đất được hưởng từ gia đình có sổ đỏ đứng tên bà làm vào năm 1993. Anh chị em tôi lúc nhỏ cũng đã theo mẹ canh tácc trên khoảng đất trên. Đến năm 1989 do thấy mẹ tôi bệnh và không tin tưởng những người con trai (còn nhỏ chưa lập gia đình) ba tôi có kêu chị tôi và chồng về canh tác giúp đến mùa thì chỉ đưa gạo cho nhà tôi ăn, gần khoảng đất mẹ tôi cũng có 1 ngôi nhà. Năm 1993 tôi lập gia đình. Em gái út tôi sau đó cũng đi làm xa. Năm 1996 ba tôi mất chi phí chôn cất do nhà nước chu cấp vì ba tôi la người có công và nhà tôi lúc đó rất nghèo. Em trai thứ 8 cũng lập gia đình và sống bên vợ. Nhà chỉ còn gia đình tôi và mẹ tôi, sau khi ba tôi mất tôi và vợ tôi là người gánh vác gia đình, nuôi dưỡng mẹ. Sau khoảng thời gian đó chị tôi cũng không còn đưa gạo cho nhà tôi ăn nữa. Đến năm 2003, chị tôi cố ý đem đất đi cầm mà không bàn bạc với mẹ tôi và anh chị em tôi nên vợ chồng tôi chuộc đất ra canh tác. Mẹ cùng người lớn trong nhà cũng chỉ nói là cho mỗi đứa 1 công nhưng không phân chia rõ ràng đất của ai nằm ở đâu. Em trai tôi cũng bán phần đất của mình cho tôi. Đến năm 2007, chị tôi chuộc đất lại, và đồng ý mướn 2 công đất của tôi làm. Nhưng đến năm 2014, chị tôi cùng em gái út lại đem 2 công đất đầu trên đi cầm cũng không bàn bạc với ai. Trong quá trình canh tác chị tôi có lấp 1 cái hầm nằm trong thửa đất trên. Đến giờ khi biết chị tôi lấy đất đi cầm thì mẹ tôi rất giận và giao luôn ̣phần đất còn dư để bà an hưởng tuổi già cho tôi canh tác (những năm trước đó do thấy chị tôi nghèo nên mẹ tôi giao cho chị làm). Nhưng chị tôi không đồng ý và nói nếu tôi muốn canh tác phải đưa cho chị 500 ngàn mỗi mùa vì có công lấp đất, tôi không đưa thì giành lại nửa công cố ý phá hoại nửa công đó. Giờ mẹ tôi muốn lấy lại đất và phân chia rõ ràng cho các con thì phải làm thế nào? Và chị tôi cứ cố chấp không đồng thuận thì tôi và mẹ tôi phải làm thế nào? (Như Ngọc - Hà Nam)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Nguyễn Văn Nam - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo thông tin anh cung cấp, bố anh mất năm 1996 không để lại di chúc, nên phần di sản thừa kế của bố anh để lại sẽ được chia theo quy định của pháp luật (Điều 676 Bộ luật dân sự 2005). Tuy nhiên, trường hợp của gia đình anh đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế (10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế - Điều 645 Bộ luật dân sự).
Tại Mục 2.4 Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP có quy định như sau:
“2.4. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
A. Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết…”
Vì trường hợp của gia đình anh đã hết 10 năm khởi kiện về thừa kế thì cần phải đáp ứng 02 điều kiện sau thì phần di sản thừa kế được xác định là tài sản chung của những người thừa kế: các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và cùng thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia.
Như vậy, trường hợp của gia đình anh cần phải có văn bản cùng xác nhận 02 điều kiện trên thì gia đình anh mới có thể thực hiện việc chia lại khối tài sản này. Nếu như không thỏa thuận được việc đó, thì việc phân chia tài sản sẽ không được thực hiện.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận