-->

Chế độ với người lao động khi công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo lại NLĐ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; nếu không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm

(Lao Động) - Tôi làm việc cho chi nhánh của một công ty nước ngoài ở Việt Nam từ tháng 1.2007 theo hợp đồng không xác định thời hạn. Tháng 4.2013, do làm ăn thua lỗ, không có khách hàng nên Công ty quyết định giải thể chi nhánh tại Việt Nam và cho tất cả nhân viên tại chi nhánh nghỉ việc. Công ty chỉ báo cho tôi nghỉ việc trước 2 tuần và không trả trợ cấp mất việc làm. Đề nghị luật sư cho biết công ty làm như vậy có đúng theo quy định của pháp luật lao động không? (Loan Trần)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thạc sĩ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo khoản 1 Điều 17 Bộ luật Lao động hiện hành: “Trong trường hợp do thay đổi cơ cấu công nghệngười lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo lại họ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; nếu không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương”.

Trường hợp thay đổi cơ cấu công nghệ được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18.4.2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm (Nghị định 39/ 2003/ NĐ- CP): “a) Thay đổi một phần hoặc toàn bộ máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ tiên tiến có năng suất lao động cao hơn; b) Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm dẫn đến sử dụng lao động ít hơn; c) Thay đổi cơ cấu tổ chức: Sáp nhập, giải thể một số bộ phận của đơn vị”.

Căn cứ những quy định pháp luật nêu trên, đối chiếu với trường hợp của bà, việc Công ty quyết định giải thể chi nhánh tại Việt Nam do làm ăn thua lỗ và không có khách hàng, chính là thay đổi cơ cấu công nghệ theo khoản 1 Điều 17 Bộ luật Lao động và được hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định 39/ 2003/ NĐ- CP. Thời gian bà làm việc tại công ty là từ tháng 1.2007, do đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật Lao động đã trích trên, công ty sẽ phải có trách nhiệm đào tạo lại bà để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; nếu không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho bà thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương.

Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có quy định: “Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại luật này không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về cán bộ, công chức”. Do vậy, thời gian làm việc của bà từ tháng 1.2007 đến ngày 1.1.2009 là thời gian được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm. Về thời gian báo trước khi cho người lao động thôi việc khi công ty thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ, pháp luật không có quy định cụ thể, vì vậy, việc công ty chỉ báo nghỉ việc trước 2 tuần cho bà không thể coi là vi phạm quy định của pháp luật lao động.

Theo Báo Lao Động, ngày 28/05/2013.