Chế độ khi người lao động chết do tai nạn lao động được quy định như thế nào?

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Hỏi: Cháu tôi đang làm việc tại công ty A 7 năm đứng dây chuyền sản xuất. Do công ty không bảo đảm an toàn lưới điện, để điện rò rỉ. Cháu tôi bị điện giật chết tại chổ ngày 12/6/2016 vậy công ty phải bồi thường như thế nào? Chế độ BHXH tính sao? (Hải Yến - Hà Nội)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Chu Hoàng Hải - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:

Trước hết cháu anh (chị) được xác định là tử vong do gặp tai nạn lao động
theo Điều 3 Khoản 8 Luật an toàn vệ sinh lao động: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.

Thêm nữa cháu bạn là đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Điều 2 Khoản 1 Điểm a Luật bảo hiểm xã hội 2014, gồm những đối tượng sau: “Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động”. Các khoản cháu anh (chị) và thân nhân được hưởng là: trách nhiệm chi trả của công ty; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ tử tuất theo Luật bảo hiểm xã hội.

Thứ nhất, về trách nhiệm chi trả của công ty. Theo Điều 7 Khoản 2 Điểm b Luật an toàn vệ sinh lao động quy định người sử dụng lao động, tức công ty của cháu bạn, trong đó có nghĩa vụ “…thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động”.

Theo đó, Điều 38 Luật an toàn vệ sinh 2015 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động như sau:

“1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”


Cháu anh (chị) lại thuộc trường hợp đóng bảo hiểm y tế bắt buộc theo Điều 12 Khoản 1 Điểm a Luật Bảo hiểm y tế 2014, bao gồm: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động)”.

Như vậy, công ty sẽ thanh toán chi phí y tế, bao gồm phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả. Nếu cháu anh (chị) còn có thời gian điều trị, công ty sẽ phải trả khoản tiền lương cho cháu anh (chị) trong thời gian đó. Tai nạn lao động này xuất phát không phải do lỗi của cháu anh (chị) gây ra, vậy nên thân nhân của cháu anh (chị) còn được hưởng ít nhất 30 tháng tiền lương từ phía công ty.

Về mức tiền lương làm căn cứ cho chế độ bồi thường trên, căn cứ vào Điều 38 Khoản 10 Luật an toàn vệ sinh lao động là “Tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động”.

Thứ hai, về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, theo Điều 53 Luật an toàn vệ sinh lao động: “Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
2. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
3. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động


Căn cứ vào quy định trên, thân nhân của cháu anh (chị) sẽ được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng cháu anh (chị) qua đời và được hưởng chế độ tử tuất theo dưới đây.

Thứ ba, về chế độ tử tuất, do cháu anh (chị) qua đời do tai nạn lao động nên chế độ tử tuất sẽ gồm các khoản sau: trợ cấp mai táng và có thể được hưởng cả trợ cấp tuất hằng tháng:

a) Trợ cấp mai táng:

Theo Điều 66 Luật bảo hiểm xã hội về trợ cấp mai táng quy định:

"1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:
a) Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên;
b) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.
2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.
3. Người quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng quy định tại khoản 2 Điều này"
.

Trường hợp của cháu anh (chị) rơi vào Khoản 1 Điểm b và Khoản 2 Điều trên. Như vậy, mức trợ cấp mai táng cho cháu anh (chị) sẽ là 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà cháu anh (chị) qua đời.

b) Trợ cấp tuất hằng tháng:

Điều 67 Khoản 2 và Khoản 3 Luật bảo hiểm xã hội quy định trợ cấp tuất hằng tháng như sau:

"2. Thân nhân của những người quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:
a) Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;
b) Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;
d) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.
3. Thân nhân quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Thu nhập theo quy định tại Luật này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công"
.

Chỉ những đối tượng được quy định tại Khoản 2 điều trên và tùy vào thu nhập của những người này mà họ được hưởng trợ cấp hằng tháng hay không.

Nếu được hưởng, những đối tượng trên sẽ được hưởng mức trợ tuất hằng tháng như sau: “Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở”. Thời điểm được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng sẽ được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà cháu anh (chị) qua đời.

Khuyến nghị
:

1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không