-->

Chậm trả lương khi chấm dứt hợp đồng xử lý thế nào ?

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày

Hỏi: Năm 2011 tôi làm việc cho công ty cổ phần Lilama7 thuộc Tổng công ty lắp máy Việt Nam, địa chỉ số 332 đường 2/9 TP Đà Nẵng. Tôi có quyết định của giám đốc công ty bổ nhiệm làm đội trưởng đội lắp máy số 4 và ký hợp đồng giao khoán với công ty. Năm 2013 tôi có quyết định thôi làm đội trưởng và làm quyết toán và thanh lý hợp đồng với công ty. Bản thanh lý hợp đồng giữa tôi và công ty ghi rõ công ty đang còn nợ tôi 189 triệu đống. Nhưng từ năm 2013 đến gần hết năm 2015 công ty vẫn không chuyển số tiền đó cho tôi. Cuối năm 2015 tôi có làm giấy yêu cầu chuyển tiền thì công ty chuyển cho tôi chỉ có 30 triệu. Tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động với công ty tháng 4 năm 2015. Đề nghị Luật sư tư vấn, tôi phải làm gì để lấy lại số tiền còn lại ở công ty? (Hồng Sơn - Bắc Ninh)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phạm Văn Lâm - Tổ tư vấn pháp luật lao động - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo quy định tại Điều 47 BLLĐ 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:"Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày".

Như vậy, sau khi bạn chấm dứt hợp đồng tại công ty, công ty có trách nhiệm phải hoàn trả đầy đủ số tiền còn nợ của bạn trước đây và cả các khoản có liên quan đến quyền lợi khác của bạn. Việc công ty vẫn chưa thanh toán các số tiền này là trái quy định của pháp luật.

Việc không thanh toán số tiền còn lại cho bạn là công ty đã vi phạm hợp đồng, không thực hiện hết các nghĩa vụ của mình đối với bạn. Khi này, bạn có thể nộp đơn khởi kiện lên tòa án để yêu cầu công ty thực hiện nghĩa vụ với mình. Nếu có thiệt hại từ việc chậm trả tiền của công ty, bạn có thể đưa ra chứng cứ về thiệt hại và yêu cầu phía công ty bồi thường thiệt hại xảy ra.
Điều 200, 201 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
"Điều 200. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
1. Hoà giải viên lao động.
2. Toà án nhân dân.
Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động
1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
3. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.
Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành".

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

4. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.".

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.