-->

Cách tính tiền lương làm thêm giờ?

Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%.

Hỏi: Tôi đã công tác tại M (Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP) hiện đã xin nghỉ việc kết thúc vào ngày 15/05/2016. Hoàn cảnh của tôi như sau : Sau 03 tháng thử việc bảo vệ với số lương 1.500.000đ tôi được nhận vào làm (ngày vào làm 01/12/2013). Trên hợp đồng ghi rõ ràng là hệ số lương 1,86 và 40 tiếng/tuần, tương đương với 8h/ngày nhưng sự thật thì tôi làm là 24h/ngày, ngày làm ngày nghỉ (là 84h/tuần). Tôi có hỏi lại và không đồng ý với mức lương đó, bên M đồng ý hỗ trợ tôi thêm 1.000.000đ mỗi tháng nhưng lấy từ thu nhập tăng thêm của tôi bù vào khoảng đó. Nếu dư sẽ trả lại cho tôi số dư còn nếu thiếu thì cơ quan sẽ bù vào (không hỗ trợ bất cứ tiền bạc gì nữa).Sau 2 năm làm việc tôi chấm dứt hợp đồng ( không đủ tiền xoay sở cuộc sống) và biết được là lấy tiền tết, thưởng của tôi bù vào . Từ năm 2016 không có tiền hỗ trợ 1.000.000đ nữa và tháng 4 tôi có 1.500.000đ tiền quý theo hệ số như các viên chức (trước đó chưa hề có). Đề nghị Luật sư tư vấn, bên cơ quan tôi có làm sai theo các điều nào của bộ luật lao động không? (Vũ Thị Duyên - Hà Nội)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Minh Anh - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Bộ luật Lao động năm 2012 quy định như sau:

Thời giờ làm việc bình thường: “1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. 2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần . Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ. 3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành” (Điều 104).

Điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định về làm thêm giờ: “1. Số giờ làm thêm trong ngày được quy định như sau: a) Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; b) Không quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần. 2. Việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm được quy định như sau: a) Các trường hợp sau đây được tổ chức làm thêm: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn. b) Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về lao động tại địa phương. 3. Thời gian nghỉ bù theo Điểm c Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động được quy định như sau: a) Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ; b) Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động".

Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm được quy định như sau: "Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định nêu trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày” (Điều 97).

Theo như thông tin anh (chị) cung cấp anh (chị) làm việc 24h/ngày, ngày làm ngày nghỉ và 84h/tuần trường hợp này đơn vị anh (chị) đã vi phạm pháp luật lao động về thời giờ làm việc đối với người lao động. Về việc sau khi anh (chị) chấm dứt hợp đồng với đơn vị trên. Do hợp đồng anh (chị) ký với đơn vị là loại hợp đồng lao đông chứ không phải hợp đồng làm việc nên quan hệ giữa anh (chị) và đơn vị M sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Lao động chứ không phải Luật Viên chức, do đó mà anh (chị) sẽ không được hưởng các chế độ như đối với viên chức, công chức nhà nước.

Theo quy định của pháp Luật Lao động thì người lao động được hưởng các hỗ trợ sau khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp: “1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. 2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. 3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc” (Điều 97).

Đồng thời, anh (chị) có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp từ cơ quan bảo hiểm nếu đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 50 Luật Việc làm 2013 có quy định: “1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương hàng tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. 2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp , sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. 3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật này”.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.