Luật sư cần nắm vững quy luật vận động của các loại vốn và phương thức quản lý vốn kinh doanh, để soạn thảo, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện Quy chế quản lý tài chính của doanh nghiệp...
Vốn kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm vốn cố định và vốn lưu động, chúng được vận động và biến đổi liên tục về hình thái vật chất trong quá trình kinh doanh, về mặt bản chất, vốn kinh doanh được hiểu cùng nghĩa với tài sản của doanh nghiệp và được bố trí nằm riêng một bên hay một phần của bảng cân đối kế toán.
Xuất phát từ nguyên tắc đặc trưng của kế toán là “ghi sổ kép”, nên tổng số vốn kinh doanh luôn cân bằng với tổng nguồn vốn được ghi nhận tại bảng cân đối kế toán. Theo đó, Luật sư cần nắm vững quy luật vận động của các loại vốn và phương thức quản lý vốn kinh doanh, để sẵn sàng tiếp nhận và chuẩn bị tư vấn về soạn thảo, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiệnQuy chế quản lý tài chính của doanh nghiệp và các vấn đề pháp lý khác của quản trị tài chính doanh nghiệp.
Thứ nhất, vốn cố định và phương thức quản lý vốn cố định
Vốn cố định là khoản tiền dùng để đầu tư để mua sắm tài sản cố định của doanh nghiệp. Tham chiếu đến khoản 1 Điều 3 của Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định, thì tài sản cố định được hiểu là loại tài sản thỏa mãn đồng thời cả ba điều kiện sau:
(i) có giá trị lớn (nguyên giá từ 30.000.000 đồng trở lên), (ii) tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh (có thời gian sử dụng trên một năm trở lên) và (iii) chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp tò việc sử dụng tài sản đó.
Như vậy, vốn cố định là khoản vốn đầu tư sẽ được chuyển dần từng phần giá trị vào giá trị sản phẩm của doanh nghiệp trong nhiều chu kỳ kinh doanh, bằng cách trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí kinh doanh trong nhiều năm. tài chính. Theo đó, tài sản cố định phải được quản lý và sử dụng theo đúng tính năng kỹ thuật và công dụng của tài sản.
Doanh nghiệp có trách nhiệm lập, lưu trữ hô sơ kế toán theo dõi từng tài sản cố định (dưới cả hai hĩnh thức hiện vật và giá trị) cấu thành nên vốn cố định của doanh nghiệp.
Hồ sơ kế toán bao gồm:(i) Bộ chứng từ xác định nguyên giá của tài sản cố định bao gồm các chi mua sắm (tạo lập), vận chuyển, bốc xếp, lắp đặt, chạy thử và các chi phí liên quan trực tiếp khác; (ii) sổ tài sản cố định; (iii) sổ trích khấu hao tài sản cố định; và (iv) các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn vận hành, hướng dẫn bảo dưỡng và sửa chữa tài sản cố định... bảo đảm tuân thủ đúng và đủ chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định do Bộ Tài chính ban hành.
Thứ hai, vốn lưu động và phương thức quản lý vốn lưu động
Vốn lưu động là khoản tiền dùng để đầu tư mua sắm tài sản lưu động, đó là những tài sản có giá trị không đủ lớn (dưới 30.000.000 đồng) hoặc thời gian sử dụng ngắn (không quá một năm), được liên tục đưa vào sử dụng trong một chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, vốn lưu động là khoản tiền vốn có chu trình vận động và biến đổi hình thái liên tục, do bởi các tài sản lưu động thường được chuyển ngay một lần toàn bộ giá trị vào sản phẩm của doanh nghiệp và cũng thường chỉ được sử dụng trong một chu kỳ kinh doanh.
Theo đó, tài sản lưu động phải được quản lý chi tiết (dưới cả ba hình thái giá trị, hiện vật và thời gian lao động) đối với từng chủng loại nguyên vật liệu, công cụ - dụng cụ, bán thành phẩm, thành phẩm, hàng hóa... ở từng khâu cụ thể trong chu trình kinh doanh (mua hàng - lưu kho đầu vào - sản xuất - lưu kho thành phẩm - tiêu thụ...
Doanh nghiệp có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ kế toán theo dõi sự luân chuyển liên tục của dòng vốn lưu động qua từng khâu cụ thể của chu trình kinh doanh. Hồ sơ kế toán bao gồm: (i) Định mức sử dụng tài sản lưu động; (ii) Bộ chứng từ nhập kho; (iii) Thẻ kho (sổ theo dõi nhập - xuất - tồn kho); (iv) Bộ chứng từ xuất kho; (v) Biên bản kiểm kê định kỳ; và (vi) Các loại sổ kế toán theo dõi từng chủng loại tài sản lưu động, bảo đảm tuân thủ đúng và đầy đủ Chế độ kế toán doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành. Theo quy định của pháp luật tài chính, thủ tục kiếm kê tài sản (ghi nhận cả hình thái hiện vật và hình thái giá trị của các tài sản) là nghĩa vụ của doanh nghiệp trước khi tiến hành lập báo cáo tài chính.
Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận