-->

Bị tạt axit trước cổng công ty có phải tai nạn lao động?

Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở

Hỏi: Em gái tôi làm việc tại một công ty dệt may với hợp đồng lao động thời hạn 36 tháng. Vừa qua, lúc đi làm, ngay khi vừa dừng xe trước cổng công ty, em tôi bị hai thanh niên bịt mặt tạt axit. Vụ việc xảy ra khiến em tôi bị bỏng nặng. Đề nghị Luật sư tư vấn, tai nạn của em tôi có phải là tai nạn lao động không? (Trần Văn Cảnh - Hải Phòng)

xcv
>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định tai nạn lao động như sau:
“1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.
2. Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở”.

Bộ luật Lao động năm 2012 quy định như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: "1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; 2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị; 3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này". (Điều 144)

Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: "1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội". (Khoản 1 Điều 145)

Em gái anh bị tạt axit tại cổng công ty trong khoảng thời gian trước lúc vào giờ làm. Như vậy, đây được coi là tai nạn lao động xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc. Do đó, công ty dệt may (người sử dụng lao động) sẽ có trách nhiệm thanh toán phần chi phí y tế, trả đủ tiền lương cho em gái anh (người lao động bị tai nạn lao động) … theo quy định pháp luật. Ngoài ra, nếu em gái tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.