Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, lỗi vượt đèn vàng có thể bị xử phạt từ 300-400 nghìn đồng.
Hỏi: Vượt đèn vàng có bị xử phạt không? Mức xử phạt như thế nào? (Nguyễn Đức - Hà Nội)
Luật gia Phạm Thị Hiền- Tổ tư vấn pháp luật Giao thông đường bộ của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có tín hiệu đèn giao thông. Theo đó, khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ quy định như sau:
“...3. Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:
a)Tín hiệu xanh là được đi;
b) Tín hiệu đỏ là cấm đi
c)Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”.
Do đó, hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật giao thông đường bộ.
Như vậy, người tham gia giao thông chỉ được đi qua vạch dừng trước khi có đèn chuyển sang màu vàng hoăc khi đèn vàng nhấp nháy. Còn việc tiếp tục đi khi đèn đã có tín hiệu màu vàng (vượt đèn vàng) là một hành vi vi phạm tương đương với lỗi vượt đèn đỏ.
Theo đó, hành vi vượt đèn vàng có thể bị xử phạt như sau:
Theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể như sau:
- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm bị phạt tiền từ 300-400 nghìn đồng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 6 và Điểm b Khoản 12 Điều 6 Nghị định số 46.
- Người điều khiển xe ô tô vi phạm bị phạt tiền từ 1,2 - 2 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng theo Điểm a Khoản 5 Điều 5 và Điểm b Khoản 12 Điều 5 Nghị định số 46/2016.
- Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm bị phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1-3 tháng theo quy định tại Điểm g Khoản 4 Điều 7 và Điểm a Khoản 9 Điều 7 Nghị định số 46/2016.
- Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ vi phạm bị phạt tiền từ 60 - 80 nghìn đồng (Điểm h Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 46/2016).
- Người đi bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm bị phạt tiền từ 50- 60 nghìn đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 9 và Điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 46/2016.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Giao thông đường bộ mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận