Vụ VN Pharma: Kết luận giám định số 31/KL-BYT là chứng cứ giả?

Trước, trong và sau khi vụ án VN Pharma được xét xử sơ thẩm (ngày 25/08/2017), nhiều tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan chức năng, báo giới công bố. Có nhiều phát ngôn của nhà chức trách, nhưng không những không thỏa mãn được dư luận.

Vụ án “buôn lậu” 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa bệnh ung thư không rõ nguồn gốc về Việt Nam (nhập khẩu bởi Công ty VN Pharma), đã được TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm ngày 25.8. Bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma, bị tuyên phạm tội buôn lậu, phải chịu mức án 12 năm tù.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Trước, trong và sau khi vụ án VN Pharma được xét xử sơ thẩm (ngày 25/08/2017), nhiều tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan chức năng, báo giới công bố. Có nhiều phát ngôn của nhà chức trách, nhưng không những không thỏa mãn được dư luận. Thậm chí phát ngôn của đại diện Bộ Y Tế, Cơ quan tiến hành tố tụng dường như còn đẩy bức xúc lên mức cao hơn.

Những quan điểm trái chiều

Bộ Y tế và cơ quan tiến hành tố tụng bảo vệ quan điểm: 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa bệnh ung thư chỉ thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, nhưng không phải là “thuốc giả”, cụ thể:

Kết luận giám định số 31/KL-BYT ngày 22/04/2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế: “lô thuốc H-Capita chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người” [1].

Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, khẳng định: Thuốc H-Capita không phải là thuốc giả. Căn cứ vào khoản 24, Điều 2, Luật Dược 2005 (vụ việc xảy ra vào năm 2014) thì "thuốc giả" là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau: thuốc không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác. Thuốc H-Capita là thuốc có dược chất Capecitabine. Hàm lượng dược chất theo kết quả giám định là 97,5%, trong khi tiêu chuẩn chất lượng cho phép không thấp hơn 93% và không lớn hơn 105%. Thuốc H-Capita có chứa dược chất Capecitabine như ghi trên nhãn, đúng dược chất ghi trên nhãn. Đồng thời, thuốc này không mạo tên hay kiểu dáng công nghiệp của thuốc nào đã đăng ký sở hữu công nghiệp của cơ sở khác [2].

Sau khi có bản án sơ thẩm, Chánh án TAND Tp HCM Ung Thị Xuân Hương nhận định: “Về tội danh, có ý kiến xử là tội “buôn lậu” hay tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”. Bây giờ chúng ta phải thừa nhận một điều rằng, xử tội nào cũng phải thiếu một vế. Xử tội “buôn lậu” thì thiếu vế “hàng giả”, xử tội “hàng giả” thì thiếu vế “buôn lậu”. Bởi vậy không thể nào trọn vẹn hết”. Bà Ung Thị Xuân Hương nhấn mạnh: “Vụ án này chắc chắn là tảng băng chìm chưa nổi lên. Cái nổi ở đây chỉ một tý ở đầu thôi. Dư luận bức xúc rất nhiều về đấu thầu thuốc, về giá thuốc. Hồ sơ vụ án này chỉ việc nhỏ thôi, giá trị hàng chỉ hơn 5 tỷ đồng. Rất nhỏ so với tảng băng chìm đó” [3].

Thế nhưng, sau khi các quan điểm trên được công khai, dư luận nổi sóng, nhiều ý kiến đã không đồng ý với nhận định của Bộ Y tế, phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) Trần Hùng, khẳng định: Thuốc trị ung thư H-Capita là hàng giả: “Công ty VN Pharma vi phạm làm giả về cả nội dung và cả hình thức. Nếu cần, các cơ quan chức năng có thể đối chiếu các quy định và cơ chế trong Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngay từ khi kinh doanh loại thuốc này, Công ty VN Pharma đã có ý định không trung thực. Họ đưa ra cái tên của một công ty không có thật ở Canada dùng làm tên hãng sản xuất để phục vụ mục đích kê khai hồ sơ nhập khẩu thuốc. Như vậy, họ đã cố tình giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, tem nhãn, bao bì có chỉ dẫn giả mạo nơi sản xuất, đóng gói, vi phạm theo điểm e khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” [4].

Bà Phạm Khánh Phong Lan (ĐBQH khóa 14, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh): “Đứng về mặt tư cách chuyên môn, tôi là người có chuyên môn về Dược, được đào tạo bài bản ở trong nước và nước ngoài, từ Đại học, Thạc sỹ, Tiến sỹ Dược và phong Phó Giáo sư. Ngoài ra, tôi còn làm công tác quản lý về Dược nên nói chung cái gì nhầm được chứ thuốc H-Capita thì tôi khẳng định chắc chắn là thuốc giả, đừng lôi chuyện từ ngữ Luật Dược 2005 và 2016 ra” [5].

Ngoài bà Phạm Khánh Phong Lan, nhiều chuyên gia có uy tín về Dược đã lên tiếng khắng định: H-Capita là “thuốc giả”.

Bản chất vụ án có bị sai lệch?

H-Capita 500mg Caplet (do Công ty VN Pharma nhập khẩu) là thuốc giả, hay thuốc kém chất lượng (?); Phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm tội buôn lậu (Điều 153 BLHS 1999) hay tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh (Điều 157 BLHS 1999), quan điểm nào đúng (?).

Đối chiếu với quy định tại điểm d khoản 24 Điều 2 Luật Dược năm 2005, điểm e khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013, cá nhân tôi cho rằng, H-Capita là thuốc giả và phải truy cứu bị cáo Nguyễn Minh Hùng về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh theo Điều 157 BLHS 1999. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý rằng, tôi cũng như nhiều người khác đã từng phát biểu ý kiến về vụ thuốc H-Capita không phải chuyên gia về về Dược. Ý kiến của luật sư, thậm chí luật sư bào chữa cho bị cáo (nếu có) trong vụ án này đây chỉ là quan điểm cá nhân (gọi là luận cứ), mà không phải là chứng cứ. Trong khi đó, có một chứng cứ quan trọng trong vụ án này, đó là Kết luận giám định số 31/KL-BYT ngày 22/04/2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế.

Về nguyên tắc, người giám định là người có kiến thức cần thiết về lĩnh vực cần giám định được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu theo quy định của pháp luật. Kết luận giám định được coi là chứng cứ, nếu được xác định có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Nói cách khác, đã là chứng cứ thì phải đảm bảo đúng, đủ ba thuộc tính: tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Nếu chứng cứ được tạo ra, không nhằm mục đích làm rõ bản chất thực sự của vụ án, thậm chí cố ý kết luận sai, thì đó là kết luận gian dối, nghĩa là ngụy tạo ra chứng cứ (chứng cứ giả).Trở lại vụ án này:

Thứ nhất, về việc thu thập chứng cứ.

Trong vụ án VN Pharma, các cơ quan tiến hành tố tụng đã sử dụng Kết luận giám định số 31/KL-BYT ngày 22/04/2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế: “lô thuốc H-Capita chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”, làm chứng cứ trong vụ án.

Câu hỏi mà dư luận và trong quá trình điều tra truy tố, xét xử vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã đặt ra là: Bộ Y tế, đặc biệt là Cục Quản lý Dược có liên quan hay không. Theo thông tin công bố với báo giới, liên quan vụ án, các cơ quan pháp luật đã nhắc tên hàng loạt cán bộ của Bộ Y tế có dấu hiệu sai phạm. Cụ thể, là ông Nguyễn Tấn Đạt (Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược), ông Phạm Công Chiến (Trưởng Phòng Quản lý kinh doanh dược, Trưởng Phòng Pháp chế), bà Lê Thúy Hương (chuyên viên). Đây là những người trong Tổ Thẩm định, có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita 500 mg Caplet của VN Pharma. Vậy thì, tại sao Cơ quan điều tra lại quyết định trưng cầu giám định Hội đồng giám định Bộ Y tế mà không phải tổ chức, cá nhân khác có chuyên môn về Dược khác. Chỉ cần xác định họ có liên quan (hoặc có thể liên quan), thì đó là: có căn cứ để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Đối chiếu với những quy định tại BLTTHS 2003, thì người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi (Điều 60), nếu: thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 42 của BLTTHS 2003, đó là: “Họ đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc của bị can, bị cáo” hoặc: “Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ”.

Thực tế, Hội đồng giám định Bộ Y tế cả hàng chục người đều là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Dược, nhưng họ đã được ra một kết luận, mà người bình thường dẫu không hiểu biết nhiều về lĩnh vực Dược, thấy không chấp nhận được: “lô thuốc H-Capita chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng” mà không phải “thuốc giả”.

Vậy thì, chứng cứ quan trọng trong vụ án này là Kết luận giám định số 31/KL-BYT đã không được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, nhưng đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm chứng cứ (căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội). Đương nhiên, nếu công nhận và sử dụng chứng cứ này, cơ quan tiến hành tố tụng không thể buộc tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” đối với bị cáo Nguyễn Minh Hùng được.

Thứ hai, về việc tòa án cấp sơ thẩm vẫn đưa vụ án ra xét xử và phán quyết bị cáo phạm “tội buôn lậu” trong khi các căn cứ để buộc tội danh này cho các bị cáo vẫn “thiếu một vế”.

Xin nhắc lại phát biểu của Chánh án TAND Tp HCM Ung Thị Xuân Hương. Bà Hương nhận định:“ Xử tội “buôn lậu” thì thiếu vế “hàng giả”, xử tội “hàng giả” thì thiếu vế “buôn lậu”. Bởi vậy không thể nào trọn vẹn hết”. Tôi không bình luận thêm về hành vi “buôn lậu”, hay “hàng giả”. Bởi liên quan tới vụ án, đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia phân tích rất sâu vấn đề này. Thế nhưng tôi thất vọng khi người đứng đầu của cơ quan xét xử cấp tỉnh (Chánh án TAND Tp HCM) nhận đinh trái hoàn toàn với nguyên tắc của BLTTHS. Một trong những nguyên tắc cơ bản của BLTTHS là “suy đoán vô tội”. Nghĩa là, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội, không thể vì áp lực nào đó, “thiếu một vế” mà xử ép người bị buộc tội có tội.

Nói như vậy, ở đây không có nghĩa bị cáo không có tội, nhưng tội danh đúng phải là buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Đúng ra, trong vụ án này, Hội đồng xét xử hoàn toàn có căn cứ để áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 314 BLTTHS 2003, trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu giám định lại với thành phần Hội đồng giám định mới không có các thành viên thuộc Cục Quản lý dược, đương nhiên không có thành viên thuộc Bộ Y tế. Hy vọng việc này sẽ được Tòa án cấp phúc thẩm thực hiện. Còn nếu vẫn sử dụng chứng cứ là Kết luận giám định số 31/KL-BYT (chứng cứ giả), thì tòa sẽ không thể phán quyết khác được.

Vụ án còn kéo dài, có thể rất nhiều tình tiết, chứng cứ khác sẽ công bố trong thời gian tới. Dự đoán, tại cấp xét xử phúc thẩm, tòa án quyết định hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài tư vấn: 1900 6198.

[1] http://tuoitre.vn/tranh-cai-ve-thuoc-ung-thu-gia-vn-pharma-nhap-lau-1373548.htm
[2] http://nhandan.com.vn/suckhoe/tieu-diem/item/33945102-bo-y-te-khang-dinh-thuoc-h-capita-cua-vn-pharma-khong-phai-la-thuoc-gia.html
[3] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/chanh-an-tand-tp-hcm-vu-vn-pharma-tang-bang-chim-chua-noi-len-396137.html
[4] http://dantri.com.vn/kinh-doanh/ban-chi-dao-389-quoc-gia-thuoc-tri-ung-thu-h-capita-cua-vn-pharma-la-hang-gia-20170904102210651.htm
[5] http://soha.vn/db-pham-khanh-phong-lan-khong-nen-xuc-pham-den-ca-nhan-thu-truong-nguyen-viet-tien-20170901111253917.htm

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định:

- Người giám định:

“1- Người giám định là người có kiến thức cần thiết về lĩnh vực cần giám định được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu theo quy định của pháp luật.

2- Người giám định có quyền: (a) Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định; (b) Yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc kết luận; (c) Tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định; (d) Từ chối việc thực hiện giám định trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành giám định, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận, nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình; (đ) Ghi riêng ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung trong trường hợp giám định do một nhóm người giám định tiến hành.

3- Người giám định phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; không được tiết lộ bí mật điều tra mà họ biết được khi tham gia tố tụng với tư cách là người giám định.
Người giám định từ chối kết luận giám định mà không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự. Người giám định kết luận gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự.

4- Người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu: (a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 42 của Bộ luật này; (b) Đã tiến hành tố tụng với tư cách là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án hoặc đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch trong vụ án đó. Việc thay đổi người giám định do cơ quan trưng cầu quyết định”.

- Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng:

"Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu: 1- Họ đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc của bị can, bị cáo; ... 3- Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ" (khoản 1, khoản 3 Điều 42).

- Luật Dược năm 2005 quy định:

“23- Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

24- Thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: (a) Không có dược chất; (b) Có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; (c) Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; (d) Mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác” (khoản 23, khoản 24 Điều 2).

- Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 quy định về “hàng giả”:

“a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

b) Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

d) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

g) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;

h) Tem, nhãn, bao bì giả” (khoản 8 Điều 3).

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật đất đai mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.