Vợ từ chối việc trợ cấp cho con và ly hôn sau khi hòa giải không thành, phải làm sao?

Điểm a, Mục 9, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định về việc "Thuận tình ly hôn".

Hỏi: Hai vợ chồng tôi đã ra toà thuận tình ly hôn, hoàn thiện hồ sơ đầy đủ. Toà đã triệu tập lên và cùng ký vào biên bản hoà giải không thành. Trong đơn thuận tình ly hôn tôi phải trao trước cho vợ tôi một khoản tiền để nuôi con có sự chứng kiến của toà án, và hàng tháng tôi vẫn phải đóng góp một khoản tiền để nuôi con. Trước sự chứng kiến của toà án tôi trao trước số tiền nuôi con bằng sổ tiết kiệm chứ không phải bằng tiền mặt. Đề nghị Luật sư tư vấn, nếu vợ tôi không đồng ý và không đồng ý ly hôn nữa thì toà có trả lại hồ sơ để làm lại không? (Vũ Vinh Lục - Điện Biên)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Hoàng Ngọc Ánh - Tổ tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Căn cứ điểm a, Mục 9, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định về việc "Thuận tình ly hôn" như sau: "Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu xin ly hôn thì Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải. Trong trường hợp Toà án hoà giải không thành thì Toà án lập biên bản về việc tự nguyện ly hôn và hoà giải đoàn tụ không thành. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện Kiểm sát không có phản đối sự thoả thuận đó, thì Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải mở phiên toà khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn; Hai bên đã thoả thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; Sự thoả thuận của hai bên về tài sản và con trong từng trường hợp cụ thể này là bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con. Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay, các bên không có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm".

Đối chiếu quy định trên với thông tin bạn đưa ra thì nếu sau khi có biên bản hòa giải không thành mà một bên không đồng ý ly hôn nữa thì có hai khả năng sau sẽ xảy ra:

+ Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản mà Tòa xét thấy các bên không có sự thay đổi ý kiến (cụ thể là không có đơn đề nghị lên Tòa thay đổi ý kiến trong biên bản hòa giải) và có đủ điều kiện để vợ chồng bạn thuận tình ly hôn thì Tòa án sẽ ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và quyết định này có hiệu lực ngay và không thể kháng cáo. Sau 15 ngày mà một bên mới có ý kiến thì sẽ không được Tòa chấp nhận giải quyết.

+ Nếu 1 bên (bạn hoặc vợ bạn) có ý kiến trong thời hạn cho phép (15 ngày) về việc không chấp nhận từ chối không ly hôn thì Tòa án sẽ xem xét ghi lại những gì đã thỏa thuận được, những gì chưa thỏa thuận được, sau đó sẽ tiến hành thủ tục mở phiên tòa xét xử vụ án ly hôn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về vụ án hôn nhân gia đình chứ không giải quyết theo hướng thuận tình ly hôn hay trả lại hồ sơ như anh đã hỏi.

Về việc trao tiền, nếu tại thời điểm khi lên nhận quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa thì anh mới trao tiền (dưới hình thức sổ tiết kiệm) mà vợ anh không đồng ý và không chấp nhận ly hôn thì việc này không ảnh hưởng tới quyết định của Tòa mà vợ anh chỉ có thể làm đơn yêu cầu với Tòa buộc anh đưa tiền mặt (nếu trong đơn ly hôn thuận tình thỏa thuận và ở trong biên bản hòa giải đã ghi rõ như vậy). Như đã nói ở trên, Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay. Nếu thời điểm là ngay khi hai bên ký vào biên bản hòa giải hoặc trong vòng 15 ngày kể từ ngày lập biên bản thì nếu vợ anh không đồng ý và có đơn thay đổi ý kiến thì Tòa sẽ giải quyết việc của anh theo thủ tục của vụ án hôn nhân gia đình chứ không phải là thuận tình ly hôn nữa.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.