vợ chồng ly hôn
Hỏi: Nếu mẹ con ly hôn với bố thì công ty TNHH MTV do bố đứng tên làm giám đốc có được chia cho mẹ không ?Mẹ con vừa làm công nhân vừa chăm lo việc nhà tới khi bố lập công ty riêng cách đây khoảng 6 năm thì mẹ theo lời bố nghỉ ở nhà làm nội trợ và hiện tại đã mất sức khỏe lao động .Nếu nhà do ông bà nội để lại và hiện sổ đỏ đã được đứng tên cả bố và mẹ ( bà nội viết giấy để lại cho bố ), thì 2 bác gái ( chưa chồng ) có được chia không ạ. Còn việc nếu đơn phương li hôn mà chồng không chấp nhận thì vợ có được chia tài sản không? (Thanh Hằng - Hà Nam)
Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Thứ nhất, về vấn đề chia tài sản khi ly hôn, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
"1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch".
Điều 64. Chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh
"Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác".
Theo những thông tin mà bạn cung cấp thì công ty TNHH MTV do bố bạn thành lập trong thời kỳ hôn nhân, bố bạn đã dùng tài sản chung của hai vợ chồng vào hoạt động kinh doanh. Vậy nên theo những quy định trên thì mẹ bạn cũng sẽ được chia phần tài sản này.
Thứ hai, về nhà do ông bà bạn để lại cho bố bạn mà trên sổ đỏ mang tên của cả hai bố mẹ bạn thì căn nhà đó thuộc quyền sở hữu của bố mẹ bạn. Khi bố mẹ bạn ly hôn sẽ không phải chia cho hai người bác gái của bạn.
Thứ ba, về việc đơn phương xin ly hôn pháp luật quy định:
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Theo đó, khi mẹ bạn đơn phương muốn ly hôn thì mẹ bạn vẫn được chia tài sản trong khối tài sản chung của hai vợ chồng như những quy định về phân chia tài sản khi ly hôn như trên.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận