Vợ hoặc chồng có quyền ly hôn nếu người kia vi phạm nghiêm trong nghĩa vụ vợ chồng, dẫn tới đời sống chung không thể kéo dài.
Hỏi: Xin chào Luật sư tôi và vợ tôi cũng đồng thuận ly hôn nhưng khi làm hồ sơ thì văn phòng luật sư ở gần nơi cư trú, làm hồ sơ là đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn. Theo đi tôi là nguyên đơn và vợ tôi là bị đơn. Khi tôi thắc mắc thì viện kiểm soát bảo người ta làm như vậy để rút ngắn thời gian ly hôn. Thưa luật sư, làm như vậy có nên không ạ? Tôi đã đóng 200 nghìn tiền tạm ứng án phí và nếu khi ra tòa vợ tôi cũng đồng ý ngay thì có mất thêm khoản án phí nào nữa không. Còn điều cốt ý tôi muốn hỏi là sau khi có quyết định ly hôn từ tòa án thì tòa có gởi thông cáo về địa phương cho chính quyền xã hoặc cho cha mẹ cô ấy biết không ạ? Thưa luật sư tôi rất mong sớm nhận được sự trợ giúp quý báu của luật sư. (Vân Anh - Hà Đông)
Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Vấn đề 1: Thời gian giải quyết đơn ly hôn
Giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn sẽ theo trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự còn giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương giải quyết theo thủ tục của 1 vụ án dân sự theo các quy định của Bộ luật tố tụng 2004, sửa đổi, bổ sung 2011. Cụ thể như sau:
- Đối với trường hợp thuận tình ly hôn:
+ Sau khi vợ/chồng gửi hồ sơ xin ly hôn đến tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi 1 trong 2 vợ chồng cư trú, trong thời hạn 5 ngày làm việc tòa án sẽ kiểm tra đơn và gửi thông báo nộp tạm ứng án phí.
+ Sau khi nhận được thông báo tạm ứng án phí, nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp biên lai tiền tạm ứng án phi cho Tòa án.
+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc Tòa án tiến hành mở phiên hòa giải. Nếu Hòa giải không thành, xét thấy 2 bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; nếu không thoả thuận được hoặc tuy có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Toà án quyết định.
+ Trong thời 7 ngày làm việc từ ngày hòa giải không thành (không thay đổi quyết định về việc ly hôn), nếu các bên không thay đổi ý kiến Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
- Đối với trường hợp ly hôn đơn phương:
+ Thụ lý đơn ly hôn (đơn khởi kiện): Sau khi nhận được đơn từ nguyên đơn, sau 5 ngày làm việc Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không. Nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra quyết định thụ lý đơn ly hôn đơn phương từ thời điểm nguyên đơn nộp biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí theo quy định tại Điều 167 và Điều 171 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi 2011
+ Hòa giải: Theo quy định tại Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử. Nếu hòa giải thành thì tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 7 ngày mà các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo kháng nghị. Nếu hòa giải không thành Tòa án cũng phải lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại Điều 183, 186, 187,188, 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi 2011
+ Phiên tòa sơ thẩm: Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm. Theo đó các bên phải có mặt, nếu không có mặt thì áp dụng theo quy định tại Điều 199 và Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi 2011
Thời gian giải quyết vụ án tùy thuộc vào việc giải quyết các nội dung quan hệ vợ chồng. Thông thường, thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án; thời hạn mở phiên tòa sẽ từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Như vậy, nếu thuận tình ly hôn, thời gian sẽ rút ngắn hơn.
Vấn đề 2: Việc đóng án phí
Trong trường hợp của bạn, do bạn làm đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn (bạn là nguyên đơn) nên bạn có nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm và vợ bạn (bị đơn) sẽ không phải nộp án phí căn cứ vào khoản 4 điều 131 BLTTDS:
Điều 131. Nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm:"4. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Toà án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trong trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.”
Vấn đề 3: Tòa có gửi thông báo cho chính quyền xã hay bố mẹ của bị đơn không?
Điều 241 BLTTDS quy định:
Điều 241. Cấp trích lục bản án, bản án:"1. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên toà, các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện được Toà án cấp trích lục bản án.2. Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày tuyên án, Toà án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp."
Như vậy, Tòa sẽ chỉ giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận