Trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics được quy định tại Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ logistics.
Việc một bên không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ hợp đồng sẽ làm phát sinh trách nhiệm hợp đồng. Trách nhiệm này có thể là trách nhiệm thực hiện đúng hợp đồng; huỷ hợp đồng; bồi thường các thiệt hại phát sinh từ sự vi phạm hợp đồng hoặc phạt hợp đồng.
Tương tự với hợp đồng logistics, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cũng phải chịu trách nhiệm khi có hành vi vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại cho khách hàng. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của dịch vụ logistics, pháp luật có đặt ra hạn mức tối đa mà thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng đối với những tổn thất phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dịch vụ logistics. Hạn mức tối đa đó gọi là giới hạn trách nhiệm.
Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ logistics có một số quy định riêng về giới hạn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng logistics như sau:
(i) Trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định về giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thì thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
(ii) Trường hợp pháp luật liên quan không quy định giới hạn trách nhiệm thì giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics do các bên thoả thuận.
(iii) Trường hợp các bên không có thoả thuận thì thực hiện như sau:
- Trường hợp khách hàng không có thông báo trước về trị giá của hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường.
- Trường hợp khách hàng đã thông báo trước về trị giá của hàng hóa và được thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics xác nhận thì giới hạn trách nhiệm sẽ không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.
(iv) Giới hạn trách nhiệm đối với trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức thực hiện nhiều công đoạn có quy định giới hạn trách nhiệm khác nhau là giới hạn trách nhiệm của công đoạn có giới hạn trách nhiệm cao nhất.
Với quy định như trên thì giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người làm dịch vụ logistics có thể coi là một ngoại lệ của chế tài bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại nói chung khi Điều 302 Luật thương mại năm 2005 quy định: "Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vị phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm". Một nguyên tắc chung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà Bộ Luật Dân sự quy định là bên vi phạm hợp đồng gây thiệt hại bao nhiêu thì phải chịu trách nhiệm bồi thường bấy nhiêu. Ví dụ, người làm dịch vụ logistics làm mất hàng và vì vậy, khách hàng không có hàng giao cho người mua. Trong trường hợp này, khách hàng có thể phải chịu các thiệt hại phát sinh bao gổm: Giá trị hàng hoá bị mất, tiền phạt hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại do không có hàng giao cho người mua và khoản lợi đáng lẽ được hưởng (nếu có hàng giao cho người mua).
Tuy nhiên, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không được hưởng quyền giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu người có quyền và lợi ích liên quan chứng minh được sự mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm là do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cố ý hành động hoặc không hành động để gây ra mất mát, hư hỏng, chậm trễ hoặc đã hành động hoặc không hành động một cách mạo hiểm và biết rằng sự mất mát, hư hỏng, chậm trễ đó chắc chắn xảy ra.
Người làm dịch vụ logistics được miễn trách nhiệm hợp đồng trong các trường hợp sau đây:
(i) Người làm dịch vụ logistics không có lỗi trong việc vi phạm hợp đồng. Ví dụ: Người làm dịch vụ đã làm đúng theo những chỉ dẫn cùa khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền; hàng hoá bị hư hỏng do khách hàng đóng gói và ghi kí mã hiệu hàng hoá không phù hợp, do khuyết tật của hàng hoá, do lỗi của người vận chuyển khác.
(ii) Các lí do khách quan ngoài tầm kiểm soát của người làm dịch vụ như: Các trường hợp bất khả kháng (thiên tai, dịch hoạ), đình công hay do thay đổi chính sách pháp luật.
Luật gia Lưu Thị Phượng - Phòng cấp phép và đầu tư Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận