-->

Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định của BLHS 2015

Tội chứa chấp hoặc tiêu tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là tội phạm xâm phạm đến trật tự công cộng.

Nếu một người biết tài sản do phạm tội mà có mà vẫn cố tình chứa chấp, tiêu thụ thì có thể sẽ bị truy cứa trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 323 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS).

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, quy định của pháp luật về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Điều 323 BLHS quy định:1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.....

Quy định của BLHS đã tăng mức hình phạt so với quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (BLHS 1999), cụ thể:

(i) Tăng mức phạt tiền tại khoản 1: từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (BLHS 1999 từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng).

(ii) Tăng mức hình phạt tù tại khoản 2: từ 03 năm đến 07 năm (BLHS năm 1999 từ 02 năm đến 07 năm). Đồng thời quy định cụ thể giá trị tài sản tại “mục c. Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; d. Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.”

(iii) Tăng mức hình phạt tại khoản 3: phạt tù từ 07 năm đến 10 năm (BLHS năm 1999 từ 05 năm đến 10 năm).

(iv) Tăng mức hình phạt tại khoản 4: mức hình phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (BLHS năm 1999 là từ 07 năm đến 15 năm).

(v) Tăng mức hình phạt bổ sung tại khoản 5: quy định mức phạt tiền 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (BLHS năm 1999 từ 3.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng).

Điều luật quy định về hai hành vi phạm tội:

Hành vi thứ nhất là hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có. Đây là trường hợp biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn cất giữ, bảo quản. Việc cất giữ, bảo quản có thể ở bất cứ địa điểm nào; có trường hợp chỉ cất giữ trong túi áo, túi quần hoặc trong người. Nếu tài sản do người khác phạm tội mà có lại là đối tượng phạm tội của tội phạm khác thì người có hành vi chứa chấp tài sản đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mà bộ luật hình sự quy định đối với hành vi tang trữ các loại tài sản đó (ví dụ tội tàng trự ma túy).

Hành vi thứ hai là hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đây là trường hợp biết rõ tài sản có được là tài sản do người phạm tội nhưng vẫn nhận hoặc mua để dùng, nhận để bán lại hoặc giới thiệu để người khác mua, chuyển tài sản đó cho người khác theo yêu cầu của người phạm tội. Cũng như đối với trường hợp chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, nếu người phạm tội có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tài sản đó là đối tượng của tội phạm khác thì người có hành vi tiêu thụ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo quy định của Bộ luật hình sự. Nếu vì một lý do nào đó mà họ không biết thì hành vi tiêu thụ tài sản đó không bị coi là hành vi phạm tội.

Thứ hai, xác định tội danh

Hành vi tiêu thụ tài sản được hiểu là những hành vi có tính chất dịch chuyển tài sản từ người có tài sản do phạm tội sang người khác như hành vi mua, tạo điều kiện để bán hoặc để trao đổi tài sản đó. Bên cạnh đó, hành vi phạm tội tiêu thụ tài sản có đặc điểm trên chỉ cấu thành Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có khi không có sự hứa hẹn trước. Nếu có sự thỏa thuận, hứa hẹn trước sẽ tiêu thụ, thu mua tài sản do phạm tội mà có thì không phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có mà là đồng phạm với người phạm tội trước đó. Ví dụ: A và B thỏa thuận với nhau A sẽ trộm cắp tài sản của C, B là người đem tài sản đi bán thì B phạm tội trộm cắp tài sản với vai trò là đồng phạm của A.

Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có diễn ra sau khi hành vi phạm tội khác đã hoàn thành, hai hành vi này hoàn toàn tách biệt. Điều luật quy định hành vi "tiêu thụ tài sản mà biết rõ là do người khác phạm tội mà có" Người phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức biết rõ tài sản mà mình tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu vì một lý do nào đó mà họ không biết thì hành vi tiêu thụ tài sản đó không bị coi là hành vi phạm tội. Tài sản mà người phạm tội tiêu thụ có xuất phát điểm từ hành vi phạm tội khác mà có (tức là hành vi phạm tội khác đủ điều kiện để truy cứu TNHS) còn nếu chỉ là hành vi vi phạm pháp luật chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tài sản đó không được xem là tài sản mà biết rõ là do người khác phạm tội mà có.

Như vậy, để xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” cần xác định tài sản tiêu thụ của hành vi phạm tội trước đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật không.

Luật gia Nguyễn Thị Phương Hoa - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].