Người tố cáo có quyền được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình.
Hỏi: Cạnh nhà tôi có một gia đình thường xuyên chứa chấp các thanh niên tụ tập đánh bạc và sử dụng ma túy. Họ gây ồn vào ban đêm, làm ảnh hưởng cuộc sống của chúng tôi. Tôi muốn bí mật báo chính quyền song sợ nếu lộ ra sẽ bị trả thù. Đề nghị Luật sư tư vấn, làm sao để giữ bí mật khi tôi báo với chính quyền về hành vi trên? (Nguyễn Bắc - Hải Dương)
Luật gia Nguyễn Thị Yến - Tổ tư vấn pháp luật Tố tụng của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Khoản 1, Điều 9 Luật Tố cáo năm 2011 quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo như sau: “1. Người tố cáo có các quyền sau đây: a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; b) Được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình; c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết tố cáo; d) Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết; đ) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập; e) Được khen thưởng theo quy định của pháp luật”.
Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) quy định về việc bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân như sau: "Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản.
Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật. Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật".
"Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản".
Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp của anh (chị) nếu thấy nhóm thanh niên tụ tập gây ồn ào ảnh hưởng đến nhà mình và hành vi của nhóm thanh niên này có dấu hiệu tội phạm, anh (chị) có thể đến trực tiếp hoặc gửi đơn tố cáo cho cơ quan điều tra; viện kiểm sát; toà án hoặc với chính quyền địa phương để các cơ quan này xem xét giải quyết. Khi anh (chị) tố giác tội phạm với cơ quan có thẩm quyền,thì tính mạng, sức khỏe, tài sản của anh (chị) và người thân thích sẽ được các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ, đồng thời mọi thông tin cá nhân, bút tích của anh (chị) sẽ được giữ bí mật.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Tố tụng mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận