Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể thay đổi vốn điều lệ bằng cách giảm vốn điều lệ khi đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 87
Hỏi: Công ty tôi là công ty TNHH 1 thành viên (100% vốn nước ngoài) khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, trên dự án đầu tư trình các sở ban ngành có ghi rõ nguồn vốn bao gồm vốn tự có là 2.200.000 USD, vốn huy động từ các nguồn chậm trả là 1.800.000 USD và vốn vay ngân hàng là 1.000.000 USD. Tổng vốn đầu tư là 5.000.000 USD.. Nhưng do giám đốc là người nước ngoài chưa hiểu hết về luật Việt Nam, nên khi đăng ký vốn điều lệ đã đăng ký là 4.000.000 USD (bao gồm cả vốn góp và vốn huy động từ chậm trả) mà thực tế số vốn giám đốc định góp chỉ là 2.200.000 USD. Thực tế với số vốn góp đó đã đủ để thực hiện dự án, và hiện tại đã đạt được như dự án đề ra, chỉ có vốn góp là không đạt 4.000.000 USD. Theo quy định công ty TNHH MTV không được giảm vốn điều lệ, nhưng trường hợp cty tôi có cách nào để xin giảm vốn điều lệ được không ạ? Nhờ luật sư tư vấn giúp tôi với ạ. (Minh Giang - Hải Phòng)
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể thay đổi vốn điều lệ bằng cách giảm vốn điều lệ khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:
"Điều 87. Thay đổi vốn điều lệ
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thay đổi vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây:
a) Hoàn trả một phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu;
b) Vốn điều lệ không được chủ sở hữu thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 74 của Luật này."
Do đó, với trường hợp của bạn, nếu giám đốc là người nước ngoài chưa hiểu hết về luật Việt Nam, nên khi đăng ký vốn điều lệ đã đăng ký là 4.000.000 USD (bao gồm cả vốn góp và vốn huy động từ chậm trả) mà thực tế số vốn giám đốc định góp chỉ là 2.200.000 USD thì công ty bạn có thể tiến hành giảm vốn điều lệ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 87. Bởi lẽ, trong trường hợp này, giám đốc của công ty bạn có thể đã không thanh toán đầy đủ và đúng hạn phần vốn điều lệ cam kết góp theo quy định tại điều 74 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
"Chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ."
Do đó, sau 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nếu giám đốc của công ty bạn chỉ góp 2.200.000 USD thì bạn thì người đại diện theo pháp luật của công ty bạn sẽ đến cơ quan đăng kí kinh doanh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty bạn để đăng ký giảm vốn điều lệ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, giám đốc công ty bạn phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
Do vậy, công ty bạn hoàn toàn có thể giảm vốn điều lệ theo các quy định đã nêu trên.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận