Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định
Tóm tắt yêu cầu của khách hàng: Tôi năm nay 20 tuổi, đang sinh sống ở Vĩnh Phúc. Tôi kết hôn với vợ bằng tuổi vào năm 18 tuổi. Sau 01 năm chúng tôi sinh con gái đầu lòng. Vì chưa đăng ký kết hôn, nên chúng tôi chưa đăng ký khai sinh cho con. Đến thời điểm này, tôi mới đủ tuổi đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, tôi nghe nói, nếu giờ chúng tôi đăng ký kết hôn và khai sinh cho con thì là khai sinh quá thời hạn. Xin hỏi luật sư, trường hợp của chúng tôi khi đăng ký khai sinh cho con quá hạn cần những thủ tục gì? Có bị xử phạt hay không, mức phạt bao nhiêu? (Lỗ Tấn - Vĩnh Phúc)
Luật gia Bùi Thị Phượng - Phòng Tư vấn pháp luật trực tuyến của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Trước khi trả lời câu hỏi của anh, chúng tôi trích dẫn một số quy định của Luật Hộ tịch năm 2014 có liên quan như sau:
- Trách nhiệm đăng ký khai sinh:
"1- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
2- Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động" (Điều 15).
- Thủ tục đăng ký khai sinh:
"1- Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2- Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân. Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh" (khoản 1, khoản 2 Điều 16).
Như anh trình bày, con của anh chị đã 01 tuổi, nhưng vẫn chưa được đăng ký khai sinh. Trường hợp này pháp luật xác định là quá thời hạn khai sinh (60 ngày), do đó anh chị phải tiến hành đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi anh, chị cư trú. Thủ tục đăng ký khai sinh quá hanh không khác biệt so với thủ tục đăng ký khai sinh đúng hạn.
Tuy nhiên, nếu
là đăng ký khai sinh quá hạn thì sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ
Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký theo từng loại việc và bản chính
Giấy khai sinh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và
cấp cho người đi đăng ký một bản chính Giấy khai sinh. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh
phải ghi rõ "Đăng ký quá hạn".
Hồ sơ đăng ký khai sinh quá hạn được lập thành 01 (một) bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ sau:
- Giấy tờ phải nộp: (i) Phiếu cung cấp thông tin đăng ký khai sinh quá hạn (cá nhân tự viết hoặc tham khảo mẫu tại UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký khai sinh); (ii) Bản chính Giấy chứng sinh do cơ sở y tế (bệnh viện, trạm y tế, nhà hộ sinh…) nơi trẻ em sinh ra cấp. Nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế thì Giấy chứng sinh được thay bằng: Văn bản xác nhận của người làm chứng (người làm chứng phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và biết rõ sự việc làm chứng; người làm chứng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của sự việc mà mình làm chứng). Trong trường hợp không có người làm chứng thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
- Giấy tờ phải xuất trình: (i) Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn); (ii) Bản chính Giấy chứng minh nhân dân/ Thẻ căn cước; Sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ trẻ em.
Thời hạn giải quyết: Trong ngày.
Lệ phí: Miễn lệ phí.
Lưu ý: Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Trường hợp không trực tiếp đi nộp thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ. Nếu người được ủy quyền là ông, bà, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì không cần phải có văn bản ủy quyền.
Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Về mức xử phạt đối với vi pham hành chính được quy định tại Nghị định số 110/2013/ NĐ-CP như sau: "Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định" (khoản 1 Điều 27).
Như vậy, trường hợp này, anh, chị chỉ bị phạt cảnh cáo do không thực hiện việc khai sinh theo đúng quy định.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hành chính mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận