Ngày 15/03/1989, hộ gia đình cụ Dương Ngọc Khuê được giao thửa đất 360 m2 (Biên bản bàn giao đất do Ủy ban nhân xã chứng nhận). Cụ Dương Ngọc Khuê chưa từng trả lại cho Nhà nước, nhưng thửa đất được Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông cấp cho Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn...
Trong vụ án Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) thuhồi đất của công dân: Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn đã căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã Hương Nộn. Nguyên đơn là ông Dương Văn Giáp đã khởi kiện bị đơn là Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn - đã chiếm hữu, sử dụng thửa đất 360 m2 tại khu 05 xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ của gia đình ông (gồm 12 thành viên) không có căn cứ pháp luật - vi phạm pháp luật đất đai - dẫn đến thiệt hại đối với các thành viên trọng hộ gia đình nguyên đơn.
Tòa án đã 'bỏ sót' nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan:
Nghiên cứu hồ sơ vụ án, các luật sư nhận thấy:
Thứ nhất, hồ sơ vụ án thể hiện vào năm 1989, thửa đất 360 m2 được Nhà nước giao cho Hộ gia đình cụ Dương Ngọc Khuê (Khuya, mất năm 2010) bằng Biên bản bàn giao đất cho chủ hộ mới (Dương Ngọc Khuya) vào ngày 15/03/1989. Lúc đó hộ gia đình cụ Dương Ngọc Khuê có 06 (sáu) thành viên gồm: cụ Dương Ngọc Khuê (chồng, đã mất năm 2010), cụ Dương Thị Thành (vợ, mất năm 2007),bà Dương Thị Hoa (con gái, sinh năm 1963), ông Dương Văn Tấn (con trai, sinh năm 1967, chết năm 2011), ông Dương Minh Tân (con trai, sinh năm 1971), ông Dương Văn Thìn (con trai, sinh năm 1976, chết năm 2009).
Sau khi được giao đất, cụ Dương Ngọc Khuê đã cho hộ gia đình của con trai là ông Dương Văn Giáp (sinh năm 1960) mượn để sử dụng. Trong năm 1989, hộ gia đình ông Dương Văn Giáp gồm 04 (bốn) thành viên: ông Dương Văn Giáp (chồng), bà Lưu Thị Liên (vợ, sinh năm 1966), chị Dương Thị Ngọc Lan (con gái, sinh năm 1986), chị Dương Thị Thanh Tâm (con gái, sinh năm 1987), đã nhập hộ khẩu vềkhu 05 xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Tiếp đó, hộ gia đình ông Dương Văn Giáp có thêm 02 (hai) thành viên gồm: chị Dương Thị Lý (con gái, sinh năm 1990), anh Dương Ngọc Văn (con trai, sinh năm 1992). Như vậy,trong quá trình sử dụng đất đến trước 15/10/1993 (ngày Luật Đất đai 1993 có hiệu lực pháp luật), thì hộ gia đình ông Dương Văn Giáp có 06 (sáu) thành viên.
Như vậy, ngoài ông Dương Văn Giáp (nguyên đơn), Tòa án cần đưa các thành viên còn lại của hộ gia đình là bà Lưu Thị Liên, chị Dương Thị Ngọc Lan, chị Dương Thị Thanh Tâm, chị Dương Thị Lý, anh Dương Ngọc Văn tham gia tố tụng trong vụ án.
Thứ hai, hồ sơ vụ án thể hiện: vào ngày 30/06/2004, Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông đã cấp Giấy Chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước cho Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn đối với thửa đất là tài sản tranh chấp. Sau đó, ngày 28/03/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ cấp đổi thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất nêu trên, người sử dụng đất là Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn, mục đích sử dụng đất: “đất cơ sở văn hóa”. Chứng cứ này ông Dương Văn Giáp (nguyên đơn) mới biết được sau ngày 27/03/2019 (thời điểm Tòa án nhân dân huyện Tam Nông tổ chức phiên họp công khai chứng cứ).
Như vậy, Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án theo quy định của Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Thứ ba, trong hồ sơ vụ án thể hiện: (i) Không có Biên bản bàn giao đất giữa Hộ gia đình cụ Dương Ngọc Khuê hoặc hộ gia đình ông Dương Văn Giáp với Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn (thời điểm tháng 11/2000) sau khi có thông báo thu hồi đất số 13/2000/TB-UB ngày 03/11/2000; (ii) Không có Quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông đối với hộ gia đình cụ Dương Ngọc Khuê hoặc hộ gia đình ông Dương Văn Giáp. Nghĩa là, Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông chưa thu hồi đất của chủ sử dụng cũ (hộ gia đình cụ Dương Ngọc Khuê và hộ gia đình ông Dương Văn Giáp), nhưng đã cấp đất cho chủ sử dụng mới (Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn). Như vậy, vụ án này còn liên quan đến các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông). Quan điểm của các luật sư, thẩm quyền giải quyết vụ án này phải thuộc Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, căn cứ Điều 34, Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Từ những căn cứ nêu trên, các luật sư của Công ty Luật TNHH Everest đã đề nghị Tòa án nhân dân huyện Tam Nông xem xét: (i) đưa những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào tham gia vụ án gồm: bà Lưu Thị Liên, chị Dương Thị Ngọc Lan, chị Dương Thị Thanh Tâm, chị Dương Thị Lý, anh Dương Ngọc Văn và Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông; đồng thời: (ii) đề nghị chuyển vụ án để Tàa án nhân dân tỉnh Phú Thọ thụ lý, giải quyết.
Tóm tắt vụ án tại huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ): Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn thu hồi đất của dân căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã Hương Nộn.
Ngày 15/03/1989, cụ Dương Ngọc Khuê (bố đẻ của ông Dương Văn Giáp) có mua 01 (một) thửa đất có diện tích 1,04 sào (tương ứng 360m2, tại khu 5 xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, sau đây gọi tắt là thửa đất 360m2) từ ông Hà Quốc Soạn. Các bên có lập Biên bản giao đất thửa đất diện tích 1,04 sào (360m2). Nguồn gốc thửa đất 360m2 là do ông Hà Quốc Soạn khai hoang vào khoảng năm 1960. Việc chuyển nhượng thửa đất 360m2 đã được các bên lập thành biên bản giao đất có chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn, gồm các ông Nguyễn Đức Vinh - Trưởng ban quản lý ruộng đất xã Hương Nộn, ông Hoàng Xuân Minh - cán bộ xã Hương Nộn, ông Phan Ngọc Tấn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn.
Sau khi được giao đất, cụ Dương Ngọc Khuê đã cho ông Dương Văn Giáp (con trai, sinh năm 1960) mượn để sử dụng.
Năm 1991, ông Dương Văn Giáp có hỏi hàng xóm là ông Phùng Công Bình để mua thửa đất có diện tích 173m2 tại khu 5 xã Hương Nộn (mặt đường QL32), lấy chỗ buôn bán. Sau khi đã thỏa thuận xong, ông Dương Văn Giáp có đến gặp ông Nguyễn Văn Phi, là bạn học, lúc đó là Trưởng ban quản lý ruộng đất xã Hương Nộn, để hỏi thủ tục. Ông Nguyễn Văn Phi hướng dẫn ông Dương Văn Giáp phải viết đơn xin trả lại thửa đất 360 m2 (lúc đó vẫn đang thuộc quyền sử dụng của cụ Dương Ngọc Khuê). Ông Dương Văn Giáp có thắc mắc, vì sao phải trả đất thì ông Nguyễn Văn Phi nói: để đỡ phải đóng thuế (?).
Tin vào cán bộ (ông Nguyễn Văn Phi), ông Dương Văn Giáp viết 02 (hai) tờ giấy gửi lại. Một tờ đề ngày 06/10/1991 ghi là đơn đề nghị xin chuyển đổi thổ cư có nội dung: “xin chuyển đổi đất thổ cư về khu đất ở của gia đình cô Phát để được tiện việc buôn bán giao lưu”, tờ còn lại đề ngày 08/10/1991, ghi là: “đơn xin trả lại đất thổ cư”.
Ngày 11/11/1991, Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn lập một biên bản có nội dung: “giao đất cho ông Dương Văn Giáp... tổng diện tích 173m2”, đóng dấu của Ủy ban nhân dân xã, chữ ký của chủ hộ trả đất và chủ hộ nhận đất. Ngoài biên bản này, ông Nguyễn Văn Phi còn viết thêm một tờ giấy nội dung rất sơ sài: “Biên bản giải quyết việc chuyển nhượng đất đai”, “… tại Ủy ban nhân dân xã (không rõ xã gì)...”, “căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban nhân dân xã (không rõ xã gì)... thu hồi lại diện tích đất vườn của ông Dương Văn Giáp cũ, cạnh thổ cư ông Soạn, diện tích 1,04 sào...”. Biên bản này không đóng dấu, chỉ có chữ ký của ông Nguyễn Văn Phi, ông Dương Văn Giáp và một người không ghi rõ tên.
Khoảng năm 1993, cụ Dương Ngọc Khuê tặng thửa đất 360 m2 cho ông Dương Văn Giáp. Ông Dương Văn Giáp kể từ đó nộp thuế và sử dụng liên tục, ổn định cho tới năm 2000. Tới ngày 03/11/2000, gia đình ông Dương Văn Giáp nhận được Thông báo số 13/TB-UB do ông Đào Quang Thành - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn ký, có nội dung thu hồi thửa đất 360 m2 của gia đình ông Dương Văn Giáp. “Biết mình bị thiệt, cũng không rõ tại sao đất đang sử dụng lại bị thu hồi, nhưng vì tuân thủ pháp luật, ông Dương Văn Giáp đành tự tay tháo dỡ nhà cửa. Thửa đất từ đó bị Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn sử dụng, sau đó xây Nhà văn hóa Khu 5. Giữa Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn và hộ gia đình ông Dương Văn Giáp không có thêm biên bản nào về việc này”, ông Dương Văn Giáp ngậm ngùi.
Ông Dương Văn Giáp sau đó đã đến hỏi ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đào Quang Thành, vì sao bị thu hồi đất, thì chỉ nhận được trả lời: Đây là nghị quyết của xã, ông muốn đi đâu kiện thì cứ đi!.
Bình luận