-->

Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Cha, mẹ có quyền bình đẳng và ngang nhau trong nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái trong thời kỳ hôn nhân và cả sau khi ly hôn.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con đặt ra trong tình huống cha mẹ đã ly hôn, con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi được giao cho một trong hai bên trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, nay người không trực tiếp nuôi con có nguyện vọng được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con, hoặc người trực tiếp nuôi con xét thấy không đủ điều kiện để nuôi dưỡng con chung nữa, vì vậy yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:
"Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình" -Khoản 1 Điều 71.Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng.

"Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.
Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con" - Khoản 1 Điều 72.Nghĩa vụ và quyền giáo dục con.

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền được sống chung với người trực tiếp nuôi con, cấp dưỡng cho con, được thăm nom mà không ai có quyền cản trở, tuy nhiên không được lam dụng việc thăm nom để cản trở việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của người trực tiếp nuôi con.

Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con có nguyện vọng thay đổi người trực tiếp nuôi con do không còn đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con nữa, hoặc người không trực tiếp nuôi con xét thấy điều kiện sinh sống và phát triển của con không đảm bảo có thể yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con có thể được thỏa thuận giữa hai bên và ghi nhận trong biên bản thỏa thuận thay đổi người trực tiếp nuôi con, sau đó đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Trường hợp không đạt được thỏa thuận, bên yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án (nơi người con hiện đang cư trú) giải quyết yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

Trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con: 1- Người thân thích; 2- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; 3- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; 4- Hội liên hiệp phụ nữ.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

Một vấn đề cần lưu ý trong thủ tục yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết:

Khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: "i) Tòa án nơi một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án nơi người con đang cư trú có thẩm quyền giải quyết".

Theo quy định trên, trường hợp hai bên đạt được thỏa thuận, Tòa án nơi một trong các bên đều có thẩm quyền công nhận thỏa thuận đó.

Trường hợp các bên không thỏa thuận được, bên có yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con phải gửi đơn yêu cầu đến Tòa án nơi người con đang cư trú để yêu cầu giải quyết.

Các căn cứ để giải quyết yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con

Theo quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình, các căn cứ để giải quyết yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; hoặc
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Bên cạnh đó, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

Tòa án có thẩm quyền sẽ xem xét các yếu tố, điều kiện của người yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, điều kiện của người trực tiếp nuôi con trên sự cân nhắc về lợi ích của con chung, cụ thể là các yếu tố về khả năng đảm bảo nơi ở ổn định, điều kiện sinh hoạt, môi trường sống, đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật của người có nguyện vọng trực tiếp nuôi con hoặc của người đang trực tiếp nuôi con...

Thành phần hồ sơ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm:
  1. Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con;
  2. Giấy tờ nhân thân của người yêu cầu, sổ hộ khẩu;
  3. Giấy khai sinh của con;
  4. Bản án/Quyết định ly hôn của Tòa án;
  5. Tài liệu/văn bản chứng minh điều kiện về nơi ở, khả năng tài chính, nguồn thu nhập ổn định;
  6. Tài liệu/văn bản xác nhận nơi cư trú của con
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Trụ sở: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Chi nhánh Hà Nội: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198
  4. E-mail: [email protected], hoặc E-mail: [email protected].