Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đăng ký viết giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký; Tên gây nhầm lẫn là tên đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký, cụ thể các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật doanh nghiệp năm 2014.
Hỏi: Sắp tới tôi muốn mở doanh nghiệp kinh doanh. Từ bạn bè cho biết, tên doanh nghiệp tôi muốn đặt phải không trùng và gây nhầm lẫn. Đề nghị Luật sư tư vấn, tên trùng và tên gây nhầm lẫn được hiểu như thế nào? (Nhật Anh - Hà Đông) Luật gia Nguyễn Thị Kiều Anh - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Điều 42 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định về tên trùng và tên gây nhầm lẫn như sau:
“1. Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký. 2. Các trường hợp sau đây được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký:
a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;
b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó; đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”;
e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.
Các trường hợp quy định tại các điểm d, đ, e và g của khoản này không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký”.
Như vậy, pháp luật doanh nghiệp quy định tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký; Tên gây nhầm lẫn là tên đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký cụ thể các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật doanh nghiệp năm 2014. Các tên trùng và tên gây nhầm lẫn trái quy định của pháp luật sẽ không được Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp nhận.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận