Yêu cầu phản tố của bị đơn phát sinh khi có việc nguyên đơn kiện bị đơn, sau đó bị đơn cũng cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm và có đơn yêu cầu toà án giải quyết những vấn đề có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn trong cùng một vụ án dân sự.
Để bảo hộ cho các quyền dân sự của các chủ thể, Nhà nước quy định nhiều biện pháp, cách thức bảo vệ khác trong việc bảo vệ quyền dân sự, một trong những quyền đó có quyền phản tốa bị đơn. Quy định về yêu cầu phản tố của bị đơn tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền tố tụng của bị đơn, bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự, tạo điều kiện cho việc giải quyết nhanh, toàn diện các yêu cầu của đương sự trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự.
Thứ nhất, phản tố của bị đơn là gì?
Phản tố là quyền của bị đơn trong vụ án dân sự, thực chất việc phản tố của bị đơn là việc bị đơn khởi kiệngược lại người đã kiện mình (tức là kiện ngược trở lại với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn), nhưng được xem xét, giải quyết cùng với đơn khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án vì việc giải quyết yêu cầu của hai bên có yêu cầu chặt chẽ với nhau. Nếu yêu cầu của bị đơn là một việc hoàn toàn không liên quan đến đơn khởi kiện của nguyên đơn thì bị đơn phải khởi kiện thành một vụ án dân sự mới.
Như vậy, yêu cầu phản tố của bị đơn chỉ phát sinh khi có việc nguyên đơn kiện bị đơn và Toà án có thẩm quyền thụ lý vụ việc đối với yêu cầu của nguyên đơn, sau đó bị đơn cũng cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm và có đơn yêu cầutoà án giải quyết những vấn đề có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn trong cùng một vụ án dân sự.
Tức là, khi bị khởi kiện trong một vụ án dân sự, bị đơn có quyền đưa ra ý kiến hoặc yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bị đơn đã bỏ qua yêu cầu phản tố của mình do không biết mình có quyền này đã được quy định cụ thể trong luật hoặc không hiểu rõ những quyền của mình trong tố tụng dân sự. “Phản tố” là một thuật ngữ pháp lý có gốc từ tiếng Hán nên thường gây khó hiểu cho người mới tiếp cận, nhưng cơ bản có thể được hiểu đây là một quyền của người “bị tố” - người bị kiện hay chính là bị đơn đưa ra những yêu cầu “phản” lại với những “tố - yêu cầu của người khởi kiện”, “phản” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng có tính độc lập với yêu cầu khởi kiện nhưng sự đối lập không chỉ bao gồm việc loại trừ trực tiếp yêu cầu của nguyên đơn mà có thể theo hướng bù trừ nghĩa vụ được nêu trong yêu cầu của nguyên đơn. Thoạt nghe thì thấy rằng yêu cầu phản tố này có sự tương đồng với việc đưa ra ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện do các yêu cầu này đều liên hệ mật thiết với yêu cầu khởi kiện ban đầu của nguyên đơn, nhưng thực tế thì hai yêu cầu này lại hoàn toàn khác biệt về hệ quả pháp lý và mỗi bên trong vụ án đều phải hiểu rõ các quyền này để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai, chủ thể thực hiện quyền phản tố
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bị đơn được “Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị bù trừ với nghĩa vụ mà nguyên đơn yêu cầu”.
Theo quy định này thì yêu cầu phản tố chỉ được thực hiện khi và chỉ khi bị đơn có yêu cầu đối với nguyên đơn. Trong trường hợp người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn tham gia tố tụng trong vụ án có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn thì Toà án giải quyết như thế nào. Giả sử khi nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án, bị đơn được xác định có yêu cầu phản tố đã uỷ quyền cho người khác theo đúng thủ tục để tham gia tố tụng tại Toà án và có toàn quyền thay mặt bị đơn quyết định các vấn đề có liên quan trong vụ án. Trong trường hợp này đã có rất nhiều Toà án chấp nhận yêu cầu phản tố của người đại diện theo ủy quyền nhưng cũng có những Toà án không chấp nhận vì cho rằng để thực hiện yêu cầu phản tố bị đơn phải là người trực tiếp yêu cầu. Người đại diện theo ủy quyền không có quyền yêu cầu phản tố vì họ không phải là bị đơn mà chỉ là người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn.
Thứ ba, việc đưa ra ý kiến bằng văn bản của bị đơn với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Đây là quyền, vì vậy bị đơn có thể thực hiện hoặc không thực hiện, tuy nhiên, pháp luật cũng đặt ra giới hạn việc thực hiện quyền này được tiến hành trong vòng 15 ngày kể từ khi bị đơn nhận được yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, trường hợp cần gia hạn thì được phép gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Thực tế việc đưa ra ý kiến có thể được áp dụng trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án và bị đơn không có nghĩa vụ chứng minh cho những ý kiến của mình.
Về việc đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải. Việc đưa ra yêu cầu phản tố được thực hiện theo thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Như vậy, về bản chất đưa ra yêu cầu phản tố cũng giống như việc khởi kiện một vụ án, vì vậy vai trò của bị đơn lúc này cũng đã khác, không chỉ đơn thuần là bị đơn mà kiêm luôn quyền và nghĩa vụ của một nguyên đơn trong vụ án dân sự. Tuy nhiên, thế nào là một yêu cầu phản tố chính đáng và để được toà án chấp nhận thì tác giả sẽ đi sâu và tập trung phân tích dựa trên các khía cạnh sau:
Một là, về mặt nội dung, yêu cầu phản tố chỉ được chấp nhận khi thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
“a- Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; b- Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; c- Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn”.
Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể hơn về điều khoản này, nhưng chúng ta có thể tham khảo quy định tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Ở đây, trước hết yêu cầu phản tố phải là yêu cầu không cùng với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Việc xác định thế nào là yêu cầu không cùng với yêu cầu của nguyên đơn thì thoạt nhiên nghe có vẻ trừu tượng nhưng ở đây tác giả đưa ra một ví dụ minh chứng cụ thể để bạn đọc dễ hình dung hơn “Nếu nguyên đơn đưa ra yêu cầu về việc trả tiền theo hợp đồng mua bán, bị đơn đưa ra ý kiến là chỉ chi trả một phần hoặc không chấp nhận trả tiền phát sinh từ hợp đồng mua bán đó cho nguyên đơn thì đó không phải là yêu cầu phản tố mà chỉ được coi là ý kiến của bị đơn với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bởi yêu cầu của bị đơn cũng về nghĩa vụ trả tiền phát sinh từ một hợp đồng như của nguyên đơn. Nhưng nếu như yêu cầu của bị đơn là yêu cầu nguyên đơntrả tiền cho mình phát sinh từ hợp đồng mua bán khác thì có thể được coi là yêu cầu phản tố vì tuy là cùng một nghĩa vụ trả tiền nhưng nó lại phát sinh từ hợp đồng mua bán khác - có nghĩa là tính chất đã khác với yêu cầu của nguyên đơn - việc xác định cụ thể đó có phải là yêu cầu phản tố không thì còn phải căn cứ vào các yếu tố được tác giả tiếp tục phân tích ở dưới đây.
Tiếp theo, để xác định như thế nào là yêu cầu phản tố, thì yêu cầu đó phải thuộc một trong 3 trường hợp luật định:
(1) Với trường hợp yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với nguyên đơn, thì trong Nghị quyết số 05/2012/NQ - HĐTPTANDTC đã đưa ra ví dụ sau: “Nguyên đơn A có đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn B phải trả tiền thuê nhà còn nợ của năm 2005 là năm triệu đồng. Bị đơn B có yêu cầu đòi nguyên đơn A phải thanh toán cho mình tiền sửa chữa nhà bị hư hỏng và tiền thuế sử dụng đất mà bị đơn đã nộp thay cho nguyên đơn là 3 triệu đồng. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn B được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn A”. Như vậy, nghĩa vụ bù trừ ở đây là nghĩa vụ trả tiền cụ thể số tiền bên B nợ tiền thuê nhà của bên A có thể được bù trừ với số tiền bên B đã bỏ ra sửa chữa căn nhà.
(2) Với trường hợp yêu cầu phản tố dẫn đến việc loại trừ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, ví dụ: “A có chiếc xe ô tô thuộc sở hữu riêng đã bán cho C, nhưng nói với con (B là con của A) là cho C thuê mỗi tháng 5 triệu đồng. Sau đó A chết, B khởi kiện yêu cầu C phải thanh toán tiền thuê xe trong 1 năm qua là 60 triệu đồng. C có yêu cầu phản tố yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu xe ô tô và có tranh chấp. Nếu Toà án chấp nhận yêu cầu phản tố của C thì dẫn đến việc không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của B đòi C thanh toán tiền thuê xe ô tô”.Trường hợp này, yêu cầu phản tố của C đã loại trừ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn B. (3) Yêu cầu phản tố được đưa ra nếu được giải quyết trong cùng một vụ án, thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.
Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTPTANDTC đã đưa ra ví dụ sau: “Chị M khởi kiện yêu cầu anh N phải trợ cấp nuôi con là P mỗi tháng 300.000đ. Anh N có yêu cầu phản tố yêu cầu Toà án xác định P không phải là con ruột của mình”. Trường hợp này, yêu cầu của anh N không bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của chị M, cũng không làm triệt tiêu yêu cầu của chị M – Yêu cầu của chị M vẫn chính đáng nếu như là con của anh N, tuy nhiên, việc giải quyết yêu cầu này sẽ dẫn tới kết luận cuối cùng về việc giải quyết yêu cầu của chị M. Trên thực tế, các yêu cầu của nguyên đơn có thể phức tạp hơn và việc đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn cũng có thể trên nhiều phương diện, có thể thuộc đồng thời 3 trường hợp trên hoặc chỉ thuộc một trường hợp và việc chấp nhận yêu cầu phản tố một phần cũng dựa trên quan điểm của Thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ việc.
Hai là, về mặt hình thức, việc thực hiện quyền phản tố của bị đơn phải tuân thủ hình thức như khởi kiện của một vụ việc, có nghĩa là bị đơn phải soạn đơn phản tố bằng văn bản và gửi tới Toà án, sau đó bị đơn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí như nguyên đơn. Thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ được tính lại kể từ ngày bị đơn nộp tạm ứng án phí hoặc trong trường hợp bị đơn được miễn án phí thì tính từ ngày Toà án nhận được đơn phản tố. Bên cạnh những yếu tố về trình tự, thủ tục thì hậu quả pháp lý cũng thay đổi cơ bản nếu như bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố. Cụ thể, thay vì trước kia bị đơn không có nghĩa vụ chứng minh cho ý kiến của mình thì bây giờ bị đơn phải chủ động trong việc chứng minh yêu cầu phản tố của mình. Khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện, nếu bị đơn không đưa ra yêu cầu phản tố thì Thẩm phán sẽ đình chỉ giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, nếu như bị đơn đã đưa ra yêu cầu phản tố thì vai trò của các bên sẽ thay đổi, bị đơn sẽ trở thành nguyên đơn và ngược lại, nguyên đơn lại trở thành bị đơn, vụ án vẫn tiếp tục được giải quyết.
Thứ ba, áp dụng thời hiệu khởi kiện cho yêu cầu phản tố
Thực tế một số Toà án ở một số địa phương đã đưa ra những quan điểm khác nhau về việc có hay không có việc áp dụng thời hiệu khởi kiện cho yêu cầu phản tố. Trên thực tế có hai luồng ý kiến khác nhau về việc có nên hay không nên áp dụng thời hiệu khởi kiện vào yêu cầu phản tố:
(1) Yêu cầu phản tố cũng được coi là yêu cầu khởi kiện nên cũng phải áp dụng thời hiệu khởi kiện giống như yêu cầu khởi kiện. Theo khoản 4 Điều 72 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này”. Như vậy, yêu cầu phản tố của bị đơn cũng được hiểu là chính là một yêu cầu khởi kiện, khi có phát sinh “yêu cầu phản tố” thì bị đơn cũng có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như nguyên đơn. Nếu yêu cầu phản tố đã quá thời hiệu khởi kiện thì Toà án sẽ lấy đó làm căn cứ để không chấp nhận việc khởi kiện của bị đơn. Khoản 1 Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định: “nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí” thì ở đây bị đơn cũng phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu phản tố của mình. Bên cạnh đó, Điều 202 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định “Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn”. Như vậy, yêu cầu phản tố cũng chính là yêu cầu khởi kiện nên yêu cầu này cũng phải được tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
(2) Yêu cầu phản tố không phải là yêu cầu khởi kiện mà chỉ được áp dụng các thủ tục của yêu cầu khởi kiện do có tính chất tương tự nên không được áp dụng thời hiệu khởi kiện. Khi vụ kiện được bắt đầu bằng việc khởi kiện của nguyên đơn, sau khi Toà án thụ lý, bị đơn phải tìm hiểu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là gì để từ đó chấp nhận hay có yêu cầu phản tố. Khoản 4 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố tại bất kỳ thời điểm nào trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải”. Như vậy, thời hiệu khởi kiện chỉ áp dụng đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chứ không áp dụng đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, ở đây có nghĩa là “đây là quyền không bị hạn chế về thời hiệu của bị đơn”.
Thực tế, trong tất cả các vụ kiện dân sự thì bị đơn luôn ở thế bị động, phụ thuộc vào các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Nguyên đơn có đưa ra yêu cầu khởi kiện thì bị đơn mới biết mà có yêu cầu phản tố ngược trở lại với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hay nói cách khác, yêu cầu phản tố luôn luôn có sau yêu cầu khởi kiện, khi nào có yêu cầu khởi kiện thì lúc ấy mới phát sinh yêu cầu phản tố, quyền yêu cầu phản tố của bị đơn là dạng quyền “phát sinh” từ quyền khởi kiệna nguyên đơn.
Mặt khác, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện, có nghĩa đây là quy định dành cho nguyên đơn thực hiện quyền khởi kiện của mình trong một thời hạn nhất định. Tại Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn, không có nội dung nào xác định bị đơn phải phản tố trong thời hiệu khởi kiện. Như vậy, trong khoảng thời gian từ khi Toà án thụ lý vụ án đến trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố bất kỳ lúc nào.
Từ những phân tích trên có thể thấy, việc thực hiện quyền phản tố của bị đơn có sự tác động to lớn tới quá trình giải quyết vụ việc về mặt nội dung và hình thức, Thực tế, bị đơn thường bỏ lỡ việc sử dụng quyền này do không biết, cụ thể về mặt nội dung với những người dân bình thường thì thường không biết cách trình bày yêu cầu của mình một cách rõ ràng mà chỉ lồng ghép cùng với các ý kiến về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; Về mặt thủ tục, thì người dân cũng không biết trình tự thủ tục như thế nào nếu đưa ra yêu cầu phản tố, thực tế thì các cán bộ Toà án lại không hướng dẫn cụ thể. Như vậy, pháp luật cần quy định cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu hơn về quyền này, cũng như trách nhiệm của cán bộ toà án trong việc phổ biến quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng như việc hướng dẫn các bên trong việc thực hiện quyền của mình để pháp luật đi vào cuộc sống và đảm bảo được chức năng bảo vệ công lý của mình; Bên cạnh đó, tác giả cũng cho rằng nên sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng có thời hạn được yêu cầu: “Cùng với việc phải nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến phản tố xác định” thì cũng cần bổ sung thêm khái niệm, hình thức phản tố trong văn bản hướng dẫn cụ thể, có như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định thời hạn; Mặt khác, không nên đặt quy định tại Điều 200 trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 một cách độc lập mà phải đặt trong mối liên hệ với các quy định khác của Bộ luật Tố tụng dân sự và chế định uỷ quyền được quy định trong Bộ luật Dân sự. Khi tham gia tố tụng, đương sự được quyền uỷ quyền cho người khác đại diện thay mặt mình, từ đó căn cứ vào văn bản uỷ quyền để xác định quyền được thực hiện yêu cầu phản tố của chủ thể là người đại diện theo uỷ quyền.
Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected]
Bình luận