Pháp luật hiện hành quy định cụ thể, chi tiết vềngười có trách nhiệm đăng ký khai sinh và trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh tại cơ quan có thểm quyền.
Người nào có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền?
Người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con là cha, mẹ. Trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì người có trách nhiệm đăng ký khai sinh là ông, bà hoặc người thân thích khác. Trường hợp không có những người ở trên thì cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em là người có trách nhiệm đăng ký khai sinh.
Người thân thích được hiểu là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.
Người có trách nhiệm đăng ký khai sinh phải thực hiện việc đăng ký trong thời hạn như thế nào?
Việc đăng ký khai sinh cần thực hiện trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày trẻ được sinh ra.
Trong trường hợp vì lý do khác nhau mà quá 60 ngày mới đi đăng ký cho con, người đi khai sinh vẫn phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thực hiện đúng thủ tục về đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, để kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của trẻ em, người có trách nhiệm khai sinh cần thực hiện đúng việc khai sinh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày trẻ em được sinh ra. (Khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch)
Việc đăng ký khai sinh được thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào?
Căn cứ vào từng trường hợp, việc đăng ký khai sinh được thực hiện ở một trong các cơ quan nhà nước sau đây:
- Trường hợp xác định được cha, mẹ thì việc đăng ký khai sinh được thực hiện tại UBND cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ;
- Trường hợp vào thời điểm khai sinh chưa xác định được cha, mẹ thì việc đăng ký khai sinh được thực hiện tại UBND cấp xã nơi trẻ đang cư trú;
- Trường hợp trẻ bị bỏ rơi thì việc đăng ký khai sinh được thực hiện tại UBND cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi.
UBND cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ thực hiện việc khai sinh trong một số trường hợp sau đây:
- Trường hợp trẻ được sinh ra tại Việt Nam:
+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
- Trường hợp trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:
+ Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;
+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.
Người có trách nhiệm đăng ký khai sinh phải chuẩn bị những gì liên quan đến hồ sơ đăng ký?
Thành phần hồ sơ đăng ký khai sinh mà người có trách nhiệm khai sinh cần chuẩn bị được quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật hộ tịch, Điều 9 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Để thuận lợi, giảm thiểu chi phí, thời gian, công sức, người có trách nhiệm đăng ký khai sinh nên đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh để có được hướng dẫn cụ thể.
Việc đăng ký khai sinh cho con mà cha mẹ không có quan hệ hôn nhân được thực hiện như thế nào?
Về nguyên tắc, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền, nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình. Do đó, con sinh ra mà cha mẹ không có quan hệ hôn nhân vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trong đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, riêng đối với trường hợp khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh, họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
- Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu đăng ký nhận con có nộp tờ khai theo mẫu quy định, chứng cứ chứng minh quan hệ cha con cho cơ quan đăng ký hộ tịch và khi đăng ký nhận cha, mẹ, con, các bên có mặt thì UBND kết hợp giải quyết việc nhận con, đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
- Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh, cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo như trường hợp vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu đăng ký nhận con ở trên; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.
Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ đang được một cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng mà chưa xác định được cha và mẹ thì thực hiện như sau: hết thời hạn niêm yết (07 ngày liên tục), nếu vẫn không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ thì UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật hộ tịch.
Họ, chữ đệm, tên của trẻ bị bỏ rơi được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng
liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài
tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật đất đai mà Công ty Luật TNHH
Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng
tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông
tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin
này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận