Rượu thuộc nhóm hàng hóa mà Nhà nước hạn chế sản xuất, kinh doanh. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công tự tiêu dùng.
Hỏi: Gia đình tôi muốn sản xuất rượu thủ công để bán. Vậy quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào (Nguyễn Huy Tới, Gia Lâm, Hà Nội).
Tiến sỹ, Luật sư Vũ Thái Hà -Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội- trả lời:
Rượu thuộc nhóm hàng hóa mà Nhà nước hạn chế sản xuất, kinh doanh. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công tự tiêu dùng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công được pháp luật quy định tại Điều 16 Nghị định 40/2008/NĐ-CP ngày 7-4-2008 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu và Mục C của Thông tư 10/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 40/2008/NĐ-CP, nội dung cụ thể như sau:
Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép sản xuất rượu thủ công (trừ tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công là thành viên thuộc làng nghề sản xuất rượu thủ công). Do đó, để sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, người sản xuất phải làm thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh khi đáp ứng các điều kiện sau: Có đăng ký kinh doanh sản xuất rượu thủ công; cơ sở sản xuất bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gửi tới phòng kinh tế hoặc phòng công thương (sau đây gọi chung là phòng công thương) thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi đặt cơ sở sản xuất rượu, gồm: đơn đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh (theo mẫu); bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận mã số thuế; bản sao hồ sơ đăng ký chất lượng, bản công bố tiêu chuẩn chất lượng hoặc bản cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; bản sao các giấy tờ xác nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm rượu. Trường hợp sản xuất rượu thủ công cung cấp cho các cơ sở khác chế biến lại phải có bản sao hợp đồng mua bán giữa hai bên (các bản sao nêu trên đều phải được công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền).
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, phòng công thương sẽ xem xét và cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, phòng công thương sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có thời hạn 5 năm.
Theo Báo Hà Nội Mới (ngày 14.04.2011)
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận