Theo Luật dân sự Việt Nam, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bộ luật dân sự 2015 ban hành vào ngày 24/11/2015, có hiệu lực vào ngày 01/01/2017 với nhiều nội dung mới về các lĩnh vực như bảo vệ quyền dân sự, thời hạn, thời hiệu, quyền tài sản, quyền nhân thân,… Việc thay đổi đã có nhiều tác động đối với đời sống của cá nhân, gia đình, xã hội. Trong đó, quyền nhân thân cũng được quy định một cách chi tiết, rõ ràng hơn.
Thứ nhất, quy định chung về quyền nhân thân
Quyền nhân thân được quy định chung tại Điều 25 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, quyền nhân thân được hiểu là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý theo quy định của Bộ luật dân sự.
Đối với người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thứ hai, quyền có họ tên, quyền thay đổi họ, thay đổi tên
Quyền liên quan đến họ, tên được quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28 Bộ luật dân sự 2015.
Quyền có họ, tên là quyền nhân thân quan trọng gắn liền với mỗi cá nhân. Cá nhân có quyền có họ, tên được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
Bộ luật dân sự 2015 còn cho phép cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi họ, tên của mình.
Tuy nhiên, việc thay đổi họ, tên không được tùy tiện mà phải có lý do chính đáng trong một số trường hợp nhất định quy định tại Khoản 1 Điều 27, Khoản 1 Điều 28 Bộ luật dân sự 2015.
Thứ ba, quyền xác định, xác định lại dân tộc
Bộ luật dân sự 2015 cho phép cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình. Việc xác định dân tộc cho con phụ thuộc vào dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Nếu cha mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con sẽ được xác định dựa trên sự thỏa thuận, hoặc được xác định theo tập quán. Trẻ em bị bỏ rơi sẽ được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó.
Ngoài ra, cá nhân có quyền xác định lại dân tộc trong hai trường hợp: xác định lại theo dân tộc của cha mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi tìm được cha mẹ đẻ; người con muốn theo dân tộc của cha, mẹ đẻ trong trường hợp cha mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau.
Thứ tư, quyền được khai sinh, khai tử
Cá nhân có quyền được khai sinh kể từ khi sinh ra. Khi cá nhân chết phải được khai tử. Đối với trẻ em chết non nhưng sống lâu hơn một ngày thì phải được khai sinh và khai tử. Việc khai sinh, khai tử do pháp luật về hộ tịch quy định.
Thứ năm, quyền đối với quốc tịch
Cá nhân có quyền có quốc tịch. Việc xác định, thay đổi, nhập, thôi quốc tịch Việt Nam do Luật quốc tịch Việt Nam quy định. Đối với người không quốc tịch cư trú, sinh sống tại Việt Nam thì vẫn được bảo đảm quyền theo quy định của pháp luật.
Thứ sáu, quyền của cá nhân đối với hình ảnh
Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó trừ một số trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 như: sử dụng vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, hoạt động cộng đồng,…
Thứ bảy, quyền sống, được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể
Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật.
Pháp luật còn quy định chi tiết trong trường hợp cá nhân bị tai nạn nguy hiểm tính mạng phải được đưa đi khám chữa bệnh; khi tiến hành các hoạt động khoa học liên quan đến cơ thể phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện.
Việc khám nghiệm tử thi phải được sự đồng ý và phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thứ tám, các quyền nhân thân khác
Bộ luật dân sự 2015 đã giữ lại những quyền nhân thân cơ bản của con người, ngoài ra còn bổ sung các quyền nhân thân khác để phù hợp với sự phát triển của khoa học xã hội. Các quyền nhân thân khác có thể kể đến như: quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34); quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Điều 35); quyền xác định lại giới tính (Điều 36); quyền chuyển đổi giới tính (Điều 37); Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38); quyền nhân thân trong hôn nhân gia đình (Điều 39).
Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Sỹ Việt - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực pháp luật dân sự được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận