Quy định về hợp đồng vay tiền trong Bộ luật dân sự năm 2015

Khi gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp thường đi vay tiền cá nhân hay doanh nghiệp khác, kéo theo nhiều rủi ro cho cả hai bên do không hiểu rõ quy định về hợp đồng vay tiền.

Vay và cho vay tiền là hoạt động phổ biến của doanh nghiệp, kể cả đối với doanh nghiệp không hoạt động cấp tín dụng (tính chất ngân hàng).

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Căn cứ pháp lý của hợp đồng vay tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015:


Hợp đồng vay tài sản:"Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định." (Điều 463)

Trong phạm vi bài viết, chúng tôi tổng hợp một số điểm mới của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 (Bộ luật dân sự năm 2015), thay thế cho Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 (Bộ luật dân sự năm 2005) về hợp đồng vay tiền. Các doanh nghiệp cần lưu ý, vận dụng linh hoạt các quy định này để đảm bảo phù hợp vơi mục tiêu kinh doanh, cũng như hạn chế pháp lý và thương mại không đáng có.

Một là, hợp đồng vay tiền không bắt buộc phải có điều khoản lãi suất.


Đây là vấn đề nhiều doanh nghiệp hiểu nhầm, rằng hợp đồng vay tiền bắt buộc phải có lãi suất. Điều đó dẫn đến tâm lý doanh nghiệp ngại vay tiền của đối tác hay bạn hàng. Tuy nhiên, việc có lãi vay hay không là phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên khi vay tiền, nên doanh nghiệp hoàn toàn có thể ký hợp đồng vay không lãi suất.

Hai là, thỏa thuận mức lãi vay trong giới hạn.


Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất như sau:"1- Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. 2- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ."

Nếu các bên có thỏa thuận về mức lãi vay thì mức lãi này bị giới hạn. Doanh nghiệp lưu ý giới hạn lãi suất vay có sự thay đổi trong quy định của pháp luật.Theo Bộ luật Dân sự năm 2005, lãi suất vay do các bên thoả thuận, nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Việc xác định lãi suất trần khá phức tạp đối với doanh nghiệp, dẫn đến các bên thường thỏa thuận lãi suất quá cao hoặc quá thấp.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Có thể thấy, mức lãi tăng lên nhiều so với quy định cũ; thế nên phụ thuộc vào khả năng tài chính và mức độ tin tưởng giữa các bên, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ về mức lãi suất vay trong hợp đồng vay.Quy định mới cũng bổ sung chế tài trong trường hợp lãi suất thỏa thuận vượt quá 20%/năm, thì mức lãi này không có hiệu lực, và các bên sẽ áp dụng mức lãi trong mức giới hạn của luật định.

Ba là, quy định về trả lãi chậm trả.


Khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau: "5- Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."

Khi doanh nghiệp cho vay không có lãi, chủ yếu là sự hỗ trợ, giúp đỡ của bên cho vay với bên vay, nên rất hiếm trường hợp các bên thỏa thuận về việc trả lãi đối với khoản nợ chậm trả khi đến hạn. Tuy nhiên, các bên cũng cần lưu ý kể cả khi không có thoả thuận, pháp luật vẫn có quy định đối với khoản tiền chậm thanh toán, trong trường hợp vay không có lãi.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2005, nếu không có thỏa thuận thì bên vay không phải trả lãi cho khoản chậm trả. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất 10% (được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn).

Bốn là, việc áp dụng mức lãi chậm trả theo thỏa thuận.


Đối với trường hợp doanh nghiệp cho vay có lãi, quy định pháp luật thay đổi theo hướng có lợi hơn cho bên cho vay tiền, cụ thể như sau:

Theo Bộ luật Dân sự năm 2005, dù các bên có thỏa thuận về mức lãi chậm trả, thì vẫn áp dụng theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi theo lãi suất vay trong hợp đồng, mà không theo lãi suất cơ bản như Bộ luật Dân sự năm 2005: Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả, trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất 10% (được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn).

Nếu không có thỏa thuận, lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả. Có thể thấy tiền lãi bên vay phải trả theo Bộ luật Dân sự năm 2015 lớn hơn so với quy định cũ do lãi suất các bên thỏa thuận thường cao hơn lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Năm là, một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng vay tiền (vay tài sản) cần chú ý.


- Nghĩa vụ trả nợ của bên vay (Điều 466): "1- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 2- Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý. 3- Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 4- Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. 5- Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".

- Lãi suất (Điều 468): "1- Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. 2- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ".


Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest


Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].