Những năm gần đây tư duy quản lý trong các quy định về điều kiện kinh doanh đã được thay đổi một cách đáng kể. Đối với các quy chuẩn, quy phạm, nhà nước cũng dần để cho xã hội, thị trường quy định.
Về thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh
Giấy phép kinh doanh (hay chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh) là một công cụ quản lý của nhà nước liên quan đến những hoạt động sản xuất, kinh doanh những mặt hàng hay dịch vụ mà nhà nước cần kiểm soát. Và đây là việc bình thường và cần thiết đối với tất cả các nước. Trên thực tế, không chỉ nhà nước mới cấp các loại giấy phép kinh doanh mà chủ thể ngoài nhà nước cũng có thể cấp giấy phép; chẳng hạn: Một chủ sở hữu (một tác giả, một công ty) cũng có thể cấp giấy phép cho bên thứ ba được sử dụng tài sản của mình trong kinh doanh, các hiệp hội nghề nghiệp cũng có thể cấp giấy phép hoạt động hay chứng nhận đủ tư cách hành nghề trong các lĩnh vực cụ thể của mình. Thậm chí đây là những hình thức tự quản rất được ưa chuộng trên thực tế vì nó tạo ra một cơ chế chủ động hơn trong vấn đề này, hạn chế việc làm cho bộ máy nhà nước cồng kềnh thêm, tuy nhiên hình thức này hiện tại vẫn chưa là hình thức phổ biến ở Việt Nam.
Thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh được quy định chi tiết trong các nghị định của chính phủ, được trao cho các cơ quan có thẩm quyền với những chức năng phù hợp. Ví dụ, sở giao thông vận tải của các thành phố trực thuộc trung ương có quyền cấp Giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng ô tô (Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô).
Về thẩm quyền ban hành quy định về điều kiện kinh doanh
Trước đây, khi Luật đầu tư 2014 chưa có hiệu lực, các điều kiện kinh doanh, giấy phép con do bộ, ngành ban hành nằm ở dạng thông tư. Và điều này khiến cho doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều điều kiện kinh doanh với những vô lý khiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể kinh doanh, điều này làm cho thị trường dễ bị độc quyền bởi một số doanh nghiệp lớn, mất đi sự cạnh tranh công bằng và làm kinh tế khó phát triển.
Từ ngày 1/7/2016, Luật đầu tư 2014 có hiệu lực, thì chỉ có Nghị định của chính phủ trở lên mới được phép quy định về điều kiện kinh doanh. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. (khoản 3 điều 7 Luật đầu tư 2014). Khi đó, các điều kiện kinh doanh, giấy phép con do bộ, ngành ban hành nằm ở dạng thông tư sẽ bị vô hiệu. Luật đầu tư chỉ rõ rằng các điều kiện kinh doanh phải đúng mục đích vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của công đồng. (theo khoản 1 điều 7 Luật đầu tư 2014) Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong đó tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về nội dung của các điều kiện kinh doanh
Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn đưa ra rất nhiều loại giấy phép con. Chính vì vậy đã nảy sinh ra rất nhiều loại giấy phép hết sức phi lý, gây cản trở cho người dân và doanh nghiệp, đấy là còn chưa kể tới các chi phí ngầm. Từ khi lên nắm quyền, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết xóa bỏ những ưu ái công tư, xóa bỏ những giấy phép con không cần thiết nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp. Tuy vậy, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong các năm qua (giảm từ 65% năm 2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó. Các doanh nghiệp vẫn phải trả các chi phí không chính thức khi là thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.
Các bộ, ngành, đã có những thay đổi phù hợp, tích cực về điều kiện kinh doanh. Bộ Công Thương đã bãi bỏ, sửa đổi một số quy định về kiểm tra formaldehyte và amin thơm đối với hàng dệt may tại cửa khẩu; sửa đổi danh mục sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn; sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng; đơn giản hóa thủ tục khai báo hóa chất. Bộ Xây dựng đã rà soát, hoàn thành đơn giản hóa đạt tỷ lệ 95%, 85%; sửa đổi về cấp phép xây dựng, phân cấp mạnh cho các địa phương, giảm tải lượng dự án đưa về bộ xử lý. Đáng kể nhất là Bộ Tài chính, với việc hệ thống khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63 cục thuế và 100% chi cục thuế trực thuộc. Doanh nghiệp kê khai điện tử đạt tỷ lệ 99,64% và được hỗ trợ nộp thuế xuất - nhập khẩu bằng phương thức điện tử. Số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế năm 2016 đã giảm 85 thủ tục so với năm 2015. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết, ngành thuế sẽ tiến tới ứng dụng hóa đơn điện tử cho tất cả doanh nghiệp nhằm giảm nhũng nhiễu.
Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Đặng Thị Linh Phương - Công ty Luật TNHH Everest
Xem thêm:
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận