-->

Phân biệt đối xử với trẻ em khuyết tật, xử phạt như thế nào?

Những hành vi bị nghiêm cấm: 1. Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật. 2. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. 3. Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật...

Hỏi: Con trai tôi 06 tuổi bị liệt chân từ nhỏ. Tôi xin cho cháu học tiểu học. Do đi lại khó khăn nên cháu được cô giáo xếp cho ngồi riêng một bàn. Tuy nhiên, các phụ huynh khác trong lớp không đồng ý, họ kiến nghị chuyển con tôi sang lớp khác vì sợ con tôi làm ảnh hưởng đến các bạn trong lớp. Đề nghị Luật sư tư vấn, họ có vi phạm pháp luật không? (Đỗ Như Quỳnh - Hải Phòng)



>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Tổ tư vấn pháp luật hành chính của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Điều 14 Luật người khuyết tật năm 2010 quy định như sau: “Những hành vi bị nghiêm cấm: 1. Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật. 2. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. 3. Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội. 4. Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. 5. Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật. 6. Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật. 7. Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật”.

Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/ 2013/ NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 29 tháng 10 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định như sau: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, con trai anh (chị) bị khuyết tật thì vẫn có quyền được học tập, được hòa nhập bình đẳng với mọi người. Do đó, hành vi của các bậc phụ huynh khác muốn kiến nghị chuyển lớp đối với học sinh khuyết tật là một hành động kỳ thị, phân biệt đôi xử với người khuyết tật. Hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật hành chính mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.