Khi say rượu hoặc dùng các chất kích thích mạnh khác, các đối tượng thường rơi vào tình trạng không tỉnh táo, không kiểm soát được hành vi của mình. Vậy khi phạm tội trong tình trạng say rượu hoặc dùng các chất kích thích mạnh khác có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?
Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: "Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự".
Trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội do say rượu hoặc do dùng chất kích thích mạnh khác
Luật hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội do say rượu hoặc do dùng chất kích thích mạnh khác. Vì trước đó họ là người có năng lực trách nhiệm hình sự và khi họ uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích là tự họ đặt mình vào tình trạng “say” nên họ có lỗi. Họ đã tự tước bỏ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình.
Quy định này nhằm phòng chống, ngăn ngừa tội phạm lợi dụng tình trạng say rượu, bia và các chất kích thích khác để thực hiện tội phạm.
Pháp luật hình sự cũng không coi việc “say rượu, bia hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trái lại, hành vi này còn được quy định là tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự trong một số tội phạm. Cụ thể như sau:
- Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điểm b, khoản 2 Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017): Người nào phạm tội này trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì người phạm tội bị phạt tù từ 03 – 10 năm.
- Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điểm b, khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017): Người nào phạm tội này trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì bị phạt tù từ 03 – 10 năm.
- Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 272 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017): Tương tự như trên, người nào phạm tội này trongtình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì bị phạt tù từ 03 – 10 năm.
Luật gia Nguyễn Thị Phương Hoa - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận