Điểm mới cơ bản của Luật Phá sản 2014 là đã luật hóa các quy định về phá sản TCTD, xây dựng cơ chế xử lý phá sản phù hợp với các TCTD; khắc phục những bất cập trước đây, quy định rõ hơn về việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD.
Những quy định mới về phá sản tổ chức tín dụng được nêu trongLuật Phá sản năm 2014kỳ vọng sẽ tạo lập niềm tin cho các thị trường, trong đó có thị trường tiền tệ; tạo lập cơ chế xử lý và bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Thứ nhất, thực trạng áp dụng biện pháp phá sản.
Tính đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chưa phải áp dụng biện pháp phá sản đối với bất kỳ ngân hàng yếu kém nào. Sở dĩ vấn đề phá sản ngân hàng chưa xảy ra tại Việt Nam là bởi do một số yếu tố: (i) nếu để ngân hàng phá sản sẽ tác động xấu đến hệ thống, thị trường và tâm lý của người dân; (ii) dù đã có luật nhưng các thủ tục phá sản, định giá, thanh lý tài sản rất phức tạp, trong khi Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm và khả năng để đáp ứng được các yêu cầu này. Tuy nhiên, để xử lý triệt để, thời gian tới NHNN sẽ xem xét nghiên cứu và trình Chính phủ cho phép áp dụng phá sản đối với tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng, trong trường hợp việc phá sản này không gây ảnh hưởng lớn đến an toàn, ổn định của hệ thống và nền kinh tế.
Luật Phá sản 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 được kỳ vọng nhằm khắc phục các bất cập đã nảy sinh trong quá trình thực hiện Luật Phá sản 2004 và tạo lập cơ chế mới xử lý phá sản doanh nghiệp hiệu quả hơn, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Điểm mới cơ bản của Luật Phá sản 2014 là đã luật hóa các quy định về phá sản TCTD, xây dựng cơ chế xử lý phá sản phù hợp với các TCTD; khắc phục những bất cập trước đây, quy định rõ hơn về việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD. Cụ thể trên 7 điểm mới sau:
Thứ hai, về thời điểm nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Khác với thủ tục phá sản doanh nghiệp thông thường, Luật Phá sản 2014 quy định rõ việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD chỉ thực hiện sau khi NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc, văn bản không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán… Khi TCTD có nguy cơ mất khả năng thanh toán, NHNN sẽ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với TCTD đó. Việc mở thủ tục phá sản đối với TCTD sẽ được thực hiện khi TCTD không có khả năng khôi phục được khả năng thanh toán.
Thứ ba, về người có quyền nộp đơn mở thủ tục phá sản
Luật phá sản 2014 quy định rõ những người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản TCTD như: Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà TCTD không thực hiện nghĩa vụ thanh toán; Người lao động, công đoàn cơ sở nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà TCTD không thực hiện nghĩa vụ thanh toán; Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi TCTD mất khả năng thanh toán; Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi TCTD mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ TCTD quy định; Thành viên hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Thứ tư, về thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD
Luật Phá sản 2014 quy định, Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản TCTD khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hay văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của NHNN mà TCTD vẫn mất khả năng thanh toán.
Thứ năm, về quyết định tuyên bố TCTD phá sản
Luật phá sản 2014 quy định Tòa án không áp dụng thủ tục Hội nghị chủ nợ và thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản lập xong danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, bảng kê tài sản của TCTD, Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố TCTD phá sản. Quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết phá sản TCTD, đảm bảo quyền và lợi ích cho các chủ nợ của TCTD và phù hợp đặc thù của TCTD.
Thứ sáu, về hoàn trả khoản vay đặc biệt và phân chia tài sản.
Để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng gửi tiền tại TCTD và tổ chức bảo hiểm tiền gửi đã chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, Luật phá sản 2014 quy định, các khoản tiền gửi, khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại TCTD phá sản được ưu tiên chi trả trước các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ. Theo đó, thứ tự phân chia tài sản trong phá sản TCTD được thực hiện theo trình tự sau: (i) Chi phí phá sản; (ii) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; (iii) Khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại TCTD phá sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của NHNN; (iv) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ. Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ nêu trên, các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ. Ngân hàng Nhà nước hiện đang triển khai chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đợt 2. Dự kiến trong năm 2014 sẽ xử lý khoảng 6-7 ngân hàng thương mại thông qua hình thức mua bán, sáp nhập và hợp nhất.
Thứ bảy, về việc trả lại tài sản nhận ủy thác, nhận giữ hộ khi TCTD bị tuyên bố phá sản.
Theo quy định hiện hành, các TCTD đang được thực hiện hoạt động nhận ủy thác, giữ hộ, quản lý, bảo quản tài sản. Theo đó, khách hàng chuyển giao tài sản cho TCTD giữ hộ, quản lý hộ theo hợp đồng cung cấp dịch vụ của TCTD hoặc chuyển giao tài sản cho TCTD theo hợp đồng ủy thác. Tài sản này không được tính là tài sản của TCTD mà phải trả lại cho chủ tài sản khi TCTD bị phá sản. Do đó, Điều 102 Luật Phá sản 2014 quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố TCTD phá sản, chủ sở hữu tài sản ủy thác cho TCTD, gửi TCTD giữ hộ, giao TCTD quản lý thông qua hợp đồng ủy thác, giữ hộ, quản lý tài sản phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và hồ sơ, giấy tờ liên quan với cơ quan thi hành án dân sự để nhận lại tài sản của mình.
Thứ tám, về giao dịch của TCTD trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt.
Đối với TCTD trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt, các giao dịch TCTD được thực hiện dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước là NHNN và đều là những giao dịch cần thiết cho việc đảm bảo khả năng thanh toán của TCTD. Do đó, NHNN sẽ không áp dụng quy định về giao dịch vô hiệu quy định tại Điều 59 của Luật phá sản 2014 mà áp dụng Điều 103 Luật phá sản 2014 quy định giao dịch của TCTD thực hiện trong giai đoạn NHNN áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt hoặc áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán dưới sự kiểm soát của NHNN.
Luật gia Nguyễn Thị Bích Phượng - Tổ Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp
Khuyến nghị:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận