Khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chủ đơn cần lưu ý những điểm liên quan đến cách đặt tên, tra cứu nhãn hiệu. Khi hết thời hạn bảo hộ nhãn hiệu, chủ sở hữu văn bằng cần tiến hành gia hạn nhãn hiệu đúng thời hạn.
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Khi đăng ký bảo hộ và sử dụng nhãn hiệu, doanh nghiệp cần chú ý những vấn đề sau:
Về cách đặt tên nhãn hiệu
Thứ nhất, doanh nghiệp cần đặt tên nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện sau của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ):"1- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc; 2- Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác" (Điều 72).
Ví dụ: Các nhãn hiệu nổi tiếng như: nước uống có ga Coca cola, Pepsi vì sự nổi tiếng và phổ biến và đã được cấp chứng nhận bảo hộ trên toàn thế giới. Do vậy, nếu nay doanh nghiệp nào đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là Cocacolo, Pepsi thì sẽ không được cấp giấy chứng nhận bảo hộ - vì nhãn hiệu này có thể gây nhầm lẫn là của Cocacola, Pepsi.
Thứ hai, nếu doanh nghiệp đăt tên nhãn hiệu gồm một hoặc nhiều từ thì phải đảm bảo rằng các từ ngữ đó phải dễ đọc, dễ viết, dễ phát âm, dễ nhớ và phù hợp với mục đích quảng cáo trên tất cả các phương tiện truyền thông.
Thứ ba, doanh nghiệp không được đặt tên nhãn hiệu có các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với: 1- Hình quốc kỳ, quốc huy của các nước; (Ví dụ: doanh nghiệp không được tên nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với quốc kỳ Việt Nam; Mỹ…); 2- Biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép; (Ví dụ: tên nhãn hiệu không được trùng với huy hiệu của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ...); 3- Tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài; (Ví dụ: tên nhãn hiệu không được trùng với các vị anh hùng dân tộc như: Nguyễn Trãi; Quang Trung, Võ Thị Sáu…).4- Dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận; (Ví dụ: tên nhãn hiệu dầu cao SAO VÀNG tương tự với dầu cao SÁO VANG. Trường hợp này, 02 tên nhãn hiệu làm cho người tiêu dùng dễ bị nhẫm lẫn giữa hai sản phẩm với nhau nên doanh nghiệp cần tránh đăng ký tên như trên. )
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không được đặt tên nhãn hiệu có dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.
Việc tra cứu nhãn hiệu:
Trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp cần phải thực hiện việc tra cứu nhãn hiệu một cách chính xác để tránh trường hợp nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã đăng ký trước đó. Doanh nghiệp có thể trực tiếp tra cứu thông tin về các nhãn hiệu đã có chủ sở hữu hoặc đã được nộp đơn đăng ký từ các nguồn sau đây:
- Đối với tra cứu nhãn hiệu quốc gia: http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php
- Đối với tra cứu nhãn hiệu quốc tế: http://www.wipo.int/branddb/en/
Ủy quyền hoặc tái ủy quyền đăng ký nhãn hiệu:
- Ủy quyền đăng ký nhãn hiệu:
Chủ đơn có thể tự mình hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đại diện hợp pháp ở đây có thể là:
Đối với tổ chức Việt Nam, tổ chức nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam: (i)Trường hợp chủ đơn là cá nhân: người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của chủ đơn, tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo uỷ quyền của chủ đơn; (ii)Trường hợp chủ đơn là tổ chức: người đại diện theo pháp luật của chủ đơn hoặc người thuộc tổ chức được người đại diện theo pháp luật của chủ đơn uỷ quyền; tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (theo uỷ quyền của chủ đơn); người đứng đầu văn phòng đại diện hoặc đứng đầu chi nhánh tại Việt Nam (nếu chủ đơn là tổ chức nước ngoài).Đối với tổ chức nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam: thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (theo ủy quyền của chủ đơn).
- Tái uỷ quyền đăng ký nhãn hiệu:
Tái uỷ quyền là việc người nhận quyền uỷ quyền lại cho người thứ ba - bên nhận tái uỷ quyền; Việc tái uỷ quyền làm phát sinh quan hệ uỷ quyền thứ cấp giữa bên nhận uỷ quyền với bên nhận tái uỷ quyền, song song tồn tại với quan hệ uỷ quyền giữa chủ đơn với bên nhận uỷ quyền; Có thể tồn tại quan hệ uỷ quyền đa cấp nếu người nhận tái uỷ quyền tiếp tục tái uỷ quyền cho người khác.
Việc tái uỷ quyền có thể được thực hiện nhiều lần, với điều kiện người nhận uỷ quyền và người nhận tái uỷ quyền phải là tổ chức, cá nhân được phép đại diện nêu trên. Việc uỷ quyền cho các chủ thể không được phép đại diện bị coi là vô hiệu, kể cả trường hợp sau đó người được uỷ quyền tái uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân được phép đại diện.
- Nội dung giấy ủy quyền đăng ký nhãn hiệu:
Việc uỷ quyền/tái ủy quyền phải được thể hiện thành văn bản (giấy uỷ quyền) và có nội dung chủ yếu sau: (i)Tên (họ tên), địa chỉ đầy đủ của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền; (ii)Tên (họ tên), địa chỉ đầy đủ của bên nhận thay thế uỷ quyền hoặc bên nhận tái uỷ quyền (nếu có); (iii)Phạm vi uỷ quyền, khối lượng công việc được uỷ quyền; (iv)Thời hạn uỷ quyền (giấy uỷ quyền không có thời hạn chỉ chấm dứt hiệu lực khi bên uỷ quyền tuyên bố chấm dứt uỷ quyền); (v)Ngày ký giấy uỷ quyền; (vi)Chữ ký (ghi rõ họ tên, chức vụ và con dấu, nếu có) của người đại diện hợp pháp của bên uỷ quyền (và của bên nhận thay thế uỷ quyền, bên nhận tái uỷ quyền, nếu có).
- Thời điểm lập giấy ủy quyền đăng ký nhãn hiệu:
Giấy uỷ quyền được lập muộn hơn ngày nộp đơn vẫn được coi là hợp lệ, không ảnh hưởng tới ngày nộp đơn, với điều kiện phải được nộp bổ sung trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn; riêng đối với đơn khiếu nại thời hạn nêu trên là 10 ngày.
Nhãn hiệu có thể được gia hạn nhiều lần bằng việc nộp một khoản phí quy định, tuy nhiên sau khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu thì doanh nghiệp phải sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ 05 năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực.
Đội ngũ các luật sư, chuyên gia có kinh nghiệm không chỉ riêng lĩnh vực sở hữu trí tuệ mà còn nhiều lĩnh vực pháp lý khác, chúng tôi có thể hỗ trợ khách hàng giải quyết những vấn đề phức tạp, cần tới nhiều chuyên môn khác nhau.
Hệ thống các đối tác liên quan đến dịch vụ sở hữu trí tuệ như: tư vấn xây dựng thương hiệu, tư vấn doanh nghiệp, marketing, truyền thông… chúng tôi có thể hỗ trợ khách hàng các giải pháp tổng thể.
Mạng lưới chi nhánh, đại lý tại Hà Nội, Hồ Chí Minh…, cùng với việc áp dụng công nghệ, xây dựng các gói dịch vụ pháp lý đa dạng, chúng tôi có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng với chất lượng tốt, thời gian nhanh và chi phí hợp lý.
Luật gia Bùi Thị Phượng - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận