Người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính được xếp vào nhóm người dễ bị tổn thương do chưa có cơ chế phù hợp, quy định cụ thể và rõ ràng về quyền lợi của nhóm người này, họ là những người dễ bị xâm hại.
Theo quy định pháp luật, trong quan hệ dân sự mọi cá nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử, được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của người thuộc cộng đồng LGBTI là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Giao dịch dân sự được xác lập do người thuộc cộng đồng LGBTI bị đe dọa, cưỡng ép thì có thể bị Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu nếu người bị lừa dối, cưỡng ép hoặc người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu - Khoản 1 Điều 3, Điều 24, Điều 34, Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS).
Việc xác định lại giới tính không làm thay đổi họ của người đã xác định lại giới tính. Đối với tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có), pháp luật công nhận quyền của người xác định lại giới tính về thay đổi tên cho phù hợp với giới tính được xác định lại.
Việc thay đổi tên được thực hiện theo quy định pháp luật về hộ tịch, không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ (Điểm e khoản 1, khoản 3 Điều 28 BLDS).
Trường hợp một người có nhu cầu chuyển đổi giới tính mà có yêu cầu được chuyển đổi giới tính thì yêu cầu này có được công nhận hay không?
Trên cơ sở BLDS đã ghi nhận về việc chuyển đối giới tính, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ về nhân thân phù hợp giới tính đã được chuyển đổi thì cá nhân có thể yêu cầu về việc chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, việc thực hiện yêu cầu này có liên quan nhiều đến hạn chế quyền công dân của chính cá nhân có nhu cầu chuyển đổi và của các chủ thể khác có liên quan, do đó phải bằng quy định của luật. Trường hợp luật đã có quy định về chuyển đổi giới tính thì cá nhân có nhu cầu chuyển đổi giới tính phải tuân thủ các điều kiện, thủ tục được quy định trong luật (Khoản 2 Điều 2, Điều 10, Điều 37 BLDS).
Người đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu thay đổi họ, tên không?
Việc chuyển đổi giới tính không làm thay đổi họ của người đã chuyển đổi giới tính. Đối với tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có) người đã chuyển đổi giới tính theo quy định tại Điều 37 BLDS có quyền thay đổi tên phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi. Việc thay đổi tên của người đã chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định pháp luật về hộ tịch, không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ (Điểm e khoản 1, khoản 3 Điều 28 BLDS).
Việc chung sống giữa những người cùng giới tính có bị coi là vi phạm điều cấm của Luật HNGĐ hay không?
Luật HNGĐ đã bãi bỏ điều cấm về việc kết hôn, chung sống giữa những người cùng giới tính. Do đó, việc chung sống giữa những người này không bị coi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hôn nhân giữa những người này chưa được Nhà nước thừa nhận (Khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Một cá nhân thuộc cộng đồng LGBTI có được nhận nuôi con nuôi hay không?
Theo quy định pháp luật, để được nhận con nuôi, người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
- Có tư cách đạo đức tốt.
Đồng thời, pháp luật quy định những người sau đây không được nhận con nuôi:
- Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
- Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
- Đang chấp hành hình phạt tù;
- Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
- Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng theo quy định của luật.
Như vậy, về nguyên tắc, một cá nhân thuộc cộng đồng LGBTI có quyền nhận nuôi con nuôi khi đảm bảo các điều kiện nêu trên.(Khoản 3 Điều 8, Điều 14 Luật nuôi con nuôi)
Trường hợp hai người cùng giới tính chung sống với nhau mà có tranh chấp về tài sản thì giải quyết như thế nào?
Trường hợp hai người cùng giới tính chung sống với nhau mà có tranh chấp về tài sản thì trước hết việc giải quyết căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp không có thỏa thuận thì có thể yêu cầu tổ chức có thẩm quyền thực hiện việc hòa giải ngoài tòa án hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp đã có kết quả hòa giải ngoài tòa án thì một trong hai bên có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải này để nâng cao trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện cam kết hòa giải hoặc để thuận lợi cho việc thi hành nghĩa vụ.
Việc xác định tài sản được giải quyết theo quy định của BLDS và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Về nguyên tắc chung, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tài sản riêng của người nào nào thì được giao lại cho người đó; tài sản chung được phân chia theo công sức đóng góp mỗi bên, nếu tài sản chung là tài sản góp vốn vào doanh nghiệp, tài sản chứng khoán, tài khoản ngân hàng, tài sản sở hữu trí tuệ thì việc xác định tài sản được áp dụng theo pháp luật có liên quan.
Về nghĩa vụ dân sự, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì được thực hiện theo nguyên tắc, nghĩa vụ dân sự riêng của ai thì được bảo đảm thực hiện bằng tài sản riêng của người đó; nghĩa vụ dân sự chung được giải quyết theo quy định của BLDS và pháp luật khác có liên quan về thực hiện nghĩa vụ riêng rẽ hoặc liên đới. (Điều 205, Điều 206, Điều 208, Điều 209, Điều 216 đến Điều 220, Điều 287 đến Điều 291 BLDS)
Trường hợp một người đã chuyển đổi giới tính theo luật thì có làm thay đổi hay chấm dứt quyền thừa kế của họ hay không?
Người đã chuyển đổi giới tính theo luật vẫn có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật nếu họ đáp ứng đủ điều kiện với người thừa kế (Khoản 3 Điều 27, khoản 3 Điều 28, Điều 37, Điều 610 BLDS).
Trường hợp một người là người đồng tính bị anh, chị, em ruột ngược đãi, hành hạ, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự của người đó, nếu người đó chết thì anh, chị, em ruột có được hưởng thừa kế hay không?
Theo quy định của pháp luật, người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó thì không được quyền hưởng di sản. Trường hợp được nêu trong câu hỏi, anh, chị, em ruột của người đồng tính sẽ bị tước quyền thừa kế nếu đã bị Tòa án kết án về hành vi nêu trên. Tuy nhiên, những người này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản cho họ hưởng theo di chúc.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật đất đai mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận