-->

Muốn cho con ngoài giá thú mang theo tên cha trong giấy khai sinh của con thì phải làm gì?

Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha con bao gồm: Tờ khia đnăg ký khai sinh; tời khai đăng kí nhận cha mẹ con;...

Hỏi: Tôi và chồng đã ly thân được nhiều năm nay. 2 năm trở lại đây tôi có quen với một người đàn ông khác hoàn cảnh cũng giống với tôi. Anh ấy cũng đã có vợ và đang sống ly thân với vợ. Tôi mới phát hiện mình đã có thai được 3 tháng với anh ấy. Cả hai chúng tôi đều muốn cho con của mình mang họ của anh ấy. Đề nghị Luật sư tư vấn, giúp tôi liệu tôi có thể khai tên cha của con mình là tên cha ruột của cháu không và thủ tục khai sinh sẽ như thế nào? (Thu Hường- Hà Nam).

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Đoàn Thị Bích- Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, trả lời câu hỏi của chị liệu con chị có thể mang theo tên cha ruột trong giấy đăng ký khai sinh không?

Chúng tôi xin được trích quy định của Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

“Điều 15. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ

1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.

2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

4. Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều này; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.

5. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”.

Như vậy, khi khai sinh cho con mà bạn trai chị kết hợp làm thủ tục nhận cha con thì con chị có thể mang theo tên của người cha ruột trong giấy khai sinh của cháu.

Thứ hai, thủ tục đăng kí khai sinh kết hợp nhận cha con

- Thẩm quyền: Thẩm quyền đăng kí khai sinh là Uỷ ban nhân dân xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ đứa trẻ. Do đó trong trường hợp của chị chị có thể đăng kí khai sinh cho con tại Uỷ ban nhân dân xã nơi chị đang cư trú.

- Hồ sơ:

Theo Thông tư 15/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch năm 2014 và Nghị định 123/2015-NĐ-CP quy định như sau:

Điều 12. Kết hợp giải quyết việc đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con
Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:

1. Hồ sơ gồm:

a) Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch;

c) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.

2. Các giấy tờ khác, trình tự giải quyết được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 và Điều 25 của Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã; theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 và Điều 44 của Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Nội dung đăng ký khai sinh xác định theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Giấy khai sinh và Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con được cấp đồng thời cho người yêu cầu.”

Để làm thủ tục khai sinh kết hợp nhận cha con, bạn trai chị và chị cần chuẩn bị các tài liệu cần thiết sau đây:

- Tờ khai đăng ký khai sinh và tờ khai đăng ký nhận cha mẹ con.

- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay giấy chứng sinh

- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con:

+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

+ Trường hợp không có văn bản của cơ quan y tế hay cơ quan giám định thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật pháp luật mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.