Mức phạt vi phạm hợp đồng khi bên giao hàng chậm quá 10 (mười) ngày được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể do các bên tự thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá tám phần trăm giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về việc phạt vi phạm khi có sự vi phạm nghĩa vụ. Việc phạt vi phạm chỉ đặt ra nếu có sự thỏa thuận của các bên chủ thể trong hợp đồng, đồng thời việc phạt vi phạm được giải quyết bằng việc nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
Căn cứ pháp lý phạt vi phạm hợp đồng
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thỏa thuận phạt vi phạm:
"1- Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. 2- Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. 3- Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm"(Điều 418).
Luật Thương mại năm 2005 quy định về mức phạt vi phạm:
"Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này." (Điều 301)
Luật Xây dựng năm 2014 quy định về thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng:
"2- Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác". (Khoản 2 Điều 146)
Giao - nhận hàng hóa là nghĩa vụ cơ bản, đầu tiên của các bên trong quan hệ Hợp đồng mua bán hàng hóa nhằm hiện thực hóa những lời thỏa thuận trên giấy tờ bằng những hành vi cụ thể. Trong nghĩa vụ giao - nhận hàng hóa, giao hàng là nghĩa vụ cơ bản của bên bán và nhận hàng là nghĩa vụ cơ bản của bên mua.
Cụ thể, pháp luật cũng đã quy định rõ bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng, trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan theo quy định của Luật Thương mại năm 2005. Như vậy, dù các bên có thỏa thuận hay không, pháp luật vẫn quy định giao hàng là một nghĩa vụ bắt buộc đối với bên bán. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu bên bán không giao hàng thì bên mua không thể thực hiện các cam kết tiếp theo như nhận hàng, thanh toán. Do vậy, giao hàng là nghĩa vụ cơ bản nhất, cũng là bước tiên quyết trong việc hiện thực hóa hợp đồng.
Song song với nghĩa vụ giao hàng của bên bán là nghĩa vụ nhận hàng của bên mua. Bên mua có nghĩa vụ nhận hàng theo thỏa thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng. Như vậy, không chỉ có nghĩa vụ nhận hàng, bên mua còn phải thực hiện những công việc hợp lý tạo sự thuận lợi cho việc giao hàng của bên bán. Các công việc hợp lý như sắp xếp kho bãi, bố trí người nhận hàng, thông tin cụ thể các vấn đề đó cho bên bán… trước khi bên bán giao hàng.
Thứ nhất về thời gian giao nhận hàng hóa
Trong hợp đồng mua bán, yếu tố thời gian luôn được đề cao và coi trọng. Tiến độ sản xuất, hiệu quả và lợi nhuận kinh doanh liên quan đến đối tượng trong hợp đồng hầu hết chịu ảnh hưởng từ việc bên bán có giao hàng đúng hẹn hay không. Chính bởi vậy, khi giao kết hợp đồng, thời gian giao hàng là một trong những chi tiết các bên phải thỏa thuận rõ ràng.
Các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc giao hàng trong một thời hạn hay tại một thời điểm. Thời hạn giao hàng là một khoảng thời gian được ấn định cụ thể mà bên bán có quyền giao hàng bất kì lúc nào trong thời hạn đó mà không bị coi là vi phạm hợp đồng, và bên bán phải có nghĩa vụ nhận hàng. Ví dụ, hai bên thỏa thuận với nhau: bên bán sẽ thực hiện việc giao hàng trong thời gian từ ngày 15/8/2014 đến ngày 25/8/2014. Như vậy trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến ngày 25 tháng 8 năm 2014, bên bán có quyền giao hàng vào bất kì ngày nào và phải thông báo trước cho bên mua. Thời điểm giao hàng là thời điểm cụ thể trong ngày mà khi đến thời điểm đó, bên bán có nghĩa vụ giao hàng.
Liên quan đến thời gian giao hàng, pháp luật Thương mại cũng quy định rõ, bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kì thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua. Đây là một quy định hoàn toàn mới so với pháp luật Thương mại trước đây. Trước đây pháp luật quy định thời điểm giao hàng là nội dung bắt buộc các bên phải thỏa thuận trong hợp đồng nên trong quá trình thực hiện, pháp luật chỉ yêu cầu “người bán phải giao hàng… đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng”. Với cách quy định như vậy, pháp luật đã hoàn toàn để cho các bên tự thỏa thuận và thực hiện. Tuy nhiên, với hoạt động diễn ra thường xuyên và sôi động như mua bán hàng hóa, thì việc kiểm soát sự thỏa thuận và thực hiện của các bên là vô cùng cần thiết, giúp hoạt động này diễn ra một cách thuận lợi và hạn chế rủi ro. LTM 2005 đã làm được điều này, bằng cách vẫn tôn trọng thỏa thuận của các bên nhưng bên cạnh đó, luật đã định hướng cho các bên trình tự thực hiện trong trường hợp các bên thỏa thuận không rõ hoặc không có thỏa thuận, hạn chế tối đa việc xảy ra các tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng và cần thông báo trước cho bên mua. Như vậy, nghĩa vụ giao hàng của bên bán cũng bao gồm cả một số quyền nhất định, đó là quyền được giao hàng vào “bất kì thời điểm nào trong thời hạn” và được quyền giao “trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng” và phải thông báo cho bên mua. Điều đó cho thấy, trong việc giao hàng, bên bán nắm quyền chủ động nhiều hơn. Quy định này cũng phù hợp với tinh thần của Công ước viên 1980. Theo quy định của Công ước, bên bán có thể giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian được hợp đồng ấn định hay có thể xác định được khoảng thời gian giao hàng bằng cách tham chiếu vào hợp đồng, nếu như không thể căn cứ vào các tình tiết để biết ngày giao hàng mà người mua ấn định là ngày nào; trong trường hợp khác, bên bán có thể giao hàng trong một thời gian hợp lý sau khi hợp đồng được ký kết. Cũng theo Công ước, nếu hoàn cảnh cho thấy cần thiết phải để người mua quy định ngày giao hàng thì quyền chủ động này lại thuộc về người mua.
Bên cạnh quy định về giao hàng đúng thời gian, pháp luật cũng có quy định trong trường hợp bên bán giao hàng quá sớm. Giao hàng quá sớm là trường hợp giao hàng trước thời hạn hay thời điểm đã thỏa thuận, lúc này bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng nếu các bên không có thỏa thuận khác. Nếu bên mua nhận hàng, bên bán vẫn phải chịu chi phí bảo quản cho tới đúng thời hạn hoặc thời điểm giao hàng, vì lúc này, quyền sở hữu hàng hóa vẫn thuộc bên bán, chưa chuyển giao qua cho bên mua. Bên mua nhận hàng hóa trong trường hợp này với tư cách là “người giữ hộ”. Nếu bên mua không nhận hàng, bên bán vẫn giữ hàng hóa và đến hạn giao hàng đã thỏa thuận, tiến hành giao hàng cho bên mua. Lúc này, nếu hàng hóa đảm bảo đúng và đầy đủ như đã thỏa thuận, bên mua không có quyền từ chối nhận hàng.
Việc từ chối nhận hàng của bên mua khi bên bán giao hàng trước thời hạn (trường hợp thứ nhất) được phân biệt với việc từ chối nhận hàng khi bên bán giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng (trường hợp thứ hai). Trong trường hợp thứ nhất, hàng hóa bên bán giao đảm bảo đúng với những gì đã thỏa thuận về đối tượng, số lượng và chất lượng, bên mua chỉ từ chối nhận hàng vì bên bán vi phạm về thời gian giao hàng; khi đến hạn, bên bán giao hàng lại, bên mua không được từ chối mà phải có nghĩa vụ nhận hàng. Trong trường hợp thứ hai, bên bán từ chối nhận hàng vì hàng hóa không phù hợp với hợp đồng (không đúng đối tượng, không đủ số lượng,…), bên bán có thể phải bồi thường thiệt hại nếu hành vi giao hàng không phù hợp gây thiệt hai cho bên mua.
Đối với vấn đề giao hàng muộn, tuy pháp luật Thương mại hiện hành không có quy định, nhưng đó cũng là một vấn đề có thể xảy ra trên thực tế. Trước đây, vấn đề này được quy định trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989: “Khi một bên thực hiện hợp đồng kinh tế chậm so với thời hạn ghi trong hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền không nhận sản phẩm, hàng hoá dù đã hoàn thành; có quyền đòi phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại”. Tuy hiện nay quy định này đã không còn được áp dụng nhưng từ đó cũng có thể suy ra khái niệm giao hàng muộn. Theo đó, giao hàng muộn là giao hàng sau thời hạn hoặc thời điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng. Hành vi đó cũng cần phải được coi là hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên bán, bên mua cũng cần phải được quyền lựa chọn giữa các cách giải quyết “hoặc nhận hàng hóa, bắt phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại như trường hợp không thực hiện hợp đồng hoặc nhận hàng hóa và bắt phạt vi phạm thời gian thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại”.
Tương ứng với thời gian giao hàng của bên bán là nghĩa vụ nhận hàng của bên mua. Trước đây, pháp luật quy định nghĩa vụ nhận hàng của bên mua: Khi một bên từ chối tiếp nhận hàng hóa đã hoàn thành theo đúng hợp đồng thì bên kia có quyền đòi phạt vi phạm hợp đồng, đòi bồi thường các phí tổn bảo quản, chuyên chở và thiệt hại khác do việc không tiếp nhận gây ra. LTM 2005 tuy không quy định về nghĩa vụ nhận hàng nhưng có thể áp dụng quy định của BLDS 2005 về chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự, theo đó khi bên bán đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng đúng thời gian, địa điểm, thì bên mua phải có nghĩa vụ tiếp nhận, nếu bên mua không nhận vào thời điểm đó thì bên bán có nghĩa vụ phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản và có quyền yêu cầu bên mua thanh toán chi phí hợp lý. Và thiết nghĩ, hành vi chậm nhận hàng của bên mua cũng phải bị coi là vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, và nếu gây ra thiệt hại cho bên bán thì bên mua phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Thứ hai, địa điểm giao nhận hàng hóa
Địa điểm giao nhận hàng hóa chính là nơi mà các bên tiến hành hoạt động giao - nhận hàng. Việc xác định địa điểm giao hàng có ý nghĩa quan trọng, “bởi vì nó liên quan đến chi phí vận chuyển và gánh chịu rủi ro trong khi vận chuyển”. Trong hợp đồng, nếu các bên có thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên. Nhưng nếu trong hợp đồng các bên không có sự thỏa thuận, thì địa điểm giao hàng được xác định như sau
"(i)Trường hợp hàng hóa là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hóa đó;(ii)Trường hợp hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hóa thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên;(iii)Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hóa, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hóa thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó;(iii) Trong các trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán."
Nếu các bên có thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì thực hiện giao, nhận theo đúng thỏa thuận đó. Nếu không có thỏa thuận thì từng tùy trường hợp mua bán cụ thể, áp dụng quy định của pháp luật. Nếu các bên không tiến hành giao, nhận đúng địa điểm dẫn đến việc giao, nhận chậm gây ra thiệt hại thì bên vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
Tóm lại, thời gian và địa điểm giao hàng có ý nghĩa quan trọng, trước tiên trong việc tạo thuận lợi cho các bên giao, nhận hàng hóa; sau đó là căn cứ trong việc xác định một bên đã hay chưa hoàn thành nghĩa vụ giao, nhận hàng; và cuối cùng là căn cứ xác định trách nhiệm của mỗi bên nếu có sự vi phạm điều khoản này.
Thứ ba, giao, nhận chứng từ liên quan đến hàng hóa
Chứng từ liên quan đến hàng hóa là các loại giấy tờ chứa đựng những thông tin về hàng hóa có tác dụng làm rõ đặc điểm về giá trị, chất lượng, số lượng của hàng hóa. Chứng từ liên quan đến hàng hóa thường bao gồm hóa đơn thương mại (là yêu cầu của người bán đòi hỏi người mua phải trả số tiền hàng ghi trên hóa đơn, trong đó làm rõ đơn giá, tổng giá trị của hàng hóa,…); bảng kê chi tiết (là chứng từ về chi tiết hàng hóa trong lô hàng, tạo điều kiện cho việc kiểm tra hàng hóa); phiếu đóng gói (là bảng kê khai các hàng hóa được đặt trong một kiện hàng); giấy chứng nhận phẩm chất; giấy chứng nhận số lượng; giấy chứng nhận trọng lượng.
Giao chứng từ là vấn đề quan trọng trong quá trình thực hiện hợp đồng, là cơ sở để bên mua thực hiện thanh toán đúng thời hạn và là cơ sở để bên mua căn cứ vào đó tiến hành kiểm tra hàng hóa. Nếu các bên có thỏa thuận về việc giao chứng từ thì bên bán có nghĩa vụ giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua trong thời hạn, tại địa điểm và bằng phương thức đã thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn, địa điểm giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua thì bên bán phải giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua trong thời hạn và tại địa điểm hợp lý để bên mua có thể nhận hàng. Thời hạn và địa điểm hợp lý mà bên bán phải giao chứng từ có thể là cùng với thời hạn và địa điểm giao hàng. Hoặc nếu hợp đồng có quy định việc vận chuyển hàng hóa thì bên bán có thể giao chừng từ cho bên mua sau khi hàng hóa được giao cho người vận chuyển, nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của bên mua.
Khi các bên có thỏa thuận một thời hạn để bên bán giao chứng từ, nếu bên bán đã giao mà có thiếu sót, và vẫn còn trong thời hạn thì bên bán có thể khắc phục những thiếu sót đó trong thời hạn còn lại. Tuy nhiên, việc khắc phục này không được gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí cho bên mua, nếu có thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí bất hợp lý đó.
Thứ tư, mức phạt vi phạm hợp đồng
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc phạt vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá tám phần trăm giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Theo đó nếu các bên thỏa thuận mức phạt thấp hơn mức này thì sẽ áp dụng mức phạt do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên chỉ quy định trong hợp đồng về việc phạt vi phạm mà không nêu mức phạt cụ thể hoặc mức phạt vượt quá mức này thì khi có tranh chấp xảy ra, mức phạt 8% giá trị của phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm sẽ được áp dụng. Theo quy định này chúng ta hiểu như thế nào về “Không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”.
Như vậy, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại có thể được áp dụng nếu các bên thỏa thuận, theo đó nếu các bên không thỏa thuận phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest
Xem thêm:
- Giới thiệu về Công ty Luật TNHH Everest
- Dịch vụ pháp lý thường xuyên dành cho doanh nghiệp
- Dịch vụ pháp lý về sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận