Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện.
Điều kiện để Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án vắng mặt người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong trường hợp họ vắng mặt tại nơi cư trú trước thời điểm người khởi kiện nộp đơn khởi kiện đến Tòa án, nhưng người khởi kiện không biết địa chỉ mới của họ.
Thứ nhất, quy định củaBộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
Điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung. Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện.”
Đồng thời, điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án khi có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự mà Tòa án đã thụ lý, trong đó có trường hợp được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Thứ hai, thực tiễn áp dụng giải quyết
Với các quy định trên để thụ lý, giải quyết vụ án vắng mặt người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong trường hợp họ vắng mặt tại nơi cư trú trước thời điểm người khởi kiện nộp đơn khởi kiện, Tòa án phải làm rõ 2 điều kiện:
Một là, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan “không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được”.
Hai là, mục đích thay đổi nơi cư trú, trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là “che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện”.
Việc hiểu, áp dụng điều kiện thứ nhất không gặp khó khăn nhưng việc hiểu và thực hiện điều kiện thứ hai vẫn chưa có sự thống nhất trong thực tiễn. Như vậy, có hai quan điểm về nội dung trên:
(i) theo khoản 3 Điều 40 Bộ luật Dân sự năm 2015, “một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới”. Cho nên, trong trường hợp một người có nghĩa vụ với người khác (thông qua hành vi pháp lý đơn phương hoặc giao dịch dân sự) mà bỏ đi nơi khác thì họ có nghĩa vụ thông báo nơi cư trú mới cho người có quyền. Chủ thể nào có nghĩa vụ với người khác mà bỏ địa phương, không thông báo địa chỉ mới thì xem như họ cố tình “che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện”. Trong trường hợp này, người khởi kiện có quyền lựa chọn nơi cư trú cuối cùng của bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
(ii) khoản 3 Điều 40 Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định trong mọi trường hợp một cá nhân bỏ địa phương đi phải báo cho người khác biết nơi cư trú mới mà chỉ ràng buộc trong trường hợp “gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ”.Trong khi đó, mỗi cá nhân tham gia rất nhiều quan hệ xã hội. Bản thân họ rất khó biết là trong quan hệ nào họ có nghĩa vụ với chủ thể khác.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 40 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, khi thay đổi nơi cư trú, bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có quyền biết nơi cư trú mới; còn điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 lại quy định bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú phải thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú. Cho nên, rất khó ràng buộc cá nhân khi thay đổi nơi cư trú phải thông báo theo các quy định này.
Với các phân tích trên đây, việc áp dụng quy định về nơi cư trú của cá nhân trong Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết vụ án vắng mặt người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khi họ thay đổi nơi cư trú là chưa phù hợp.
Trong trường hợp này, Tòa án phải dựa vào các tài liệu, chứng cứ do người khởi kiện cung cấp và Tòa án thu thập được để đánh giá mục đích của việc thay đổi nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Khi chứng minh được việc người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú nhằm “trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện” thì Tòa án mới được được giải quyết vắng mặt họ.
Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected]
Bình luận