Ly hôn đơn phương là trường hợp ly hôn xuất phát từ ý chí của một bên (vợ hoặc chồng). Người nộp đơn ly hôn cần chứng minh việc ly hôn là có căn cứ, thỏa mãn các điều kiện của pháp luật, để tòa án có căn cứ giải quyết.
Khách hàng Vô Diện (Quảng Nam) đề nghị luật sư tư vấn về thủ tục, trình tự đơn phương ly hôn.
Yêu cầu của khách hàng tóm tắt như sau: Chúng tôi kết hôn với nhau đã hơn 06 năm, đã có hai con, một cháu trai 05 tuổi, một cháu gái 03 tuổi. Gần đây, chồng tôi thay đổi tính nết, thường xuyên ghen bóng, ghen gió, thường xuyên chì triết tôi. Khi uống rượu vào anh ta rất hung dữ, thượng cẳng chân hạ cẳng tay không thương tiếc đối với tôi. Gia đình hai bên họp, góp ý nhiều lần, nhưng anh ta không thay đổi. Tôi rất mệt mỏi, tình cảm cũng không còn gì. Tôi muốn ly hôn nhưng chồng không đồng ý. Xin hỏi, tôi có thể một mình ký đơn ly hôn được không? Những tài liệu, giấy tờ gì cần chuẩn bị những gì? Thủ tục tiến hành ra sao? Nhóm tư vấn pháp luật trực tuyến của của Công ty Luật TNHH Everest - tư vấn:
Thủ tục ly hôn đơn
phương được quy định chặt chẽ trong các chế định của Luật Hôn nhân &
Gia đình năm 2014 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: "Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án" (khoản 14 Điều 1 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014).
Như vậy, ly hôn có thể xuất phát từ ý chí của cả hai bên (vợ và chồng), hoặc từ một bên (ly hôn đơn phương), xuất phát từ ý chí của một bên vợ hoặc chồng.
Người nộp đơn ly hôn phải chứng minh được việc ly hôn là có căn cứ thỏa mãn các điều kiện của pháp luật thì mới được tòa án chấp thuận ra quyết định ly hôn.
Khi thực hiện ly hôn đơn phương, quý Vị cần lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, về quyền yêu cầu ly hôn đơn phương.
Điều 51 luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:"1- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. 2- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. 3- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi".
Như vậy, vợ hoặc chồng thậm chí cả cha, mẹ, người thân thích của một bên vợ hoặc chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương. Tuy nhiên, xuất phát từ mục đích nhân đạo là bảo quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em, pháp luật lại hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của chồng trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Nhưng khi đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người vợ vẫn có quyền yêu cầu ly hôn mà không bị hạn chế về quyền này.
Thứ hai, về căn cứ ly hôn đơn phương.
Điều 56 luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau: "1- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. 2- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. 3- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia".
Như vậy, người nộp đơn phải chứng minh được sự tồn tại của một trong những căn cứ sau thì mới được ly hôn đơn phương: (i) Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình; (ii) Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được; (iii) Vợ hoặc chồng đã bị Tòa án tuyên bố mất tích.
Cần hiểu thế nào là: tình trạng của vợ chồng trầm trọng(1); đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được(2) và mục đích của hôn nhân không đạt được(3).
- Tình trạng của vợ chồng được coi là trầm trọng khi: (i) Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần; (ii) Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần; (iii) Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;.
- Đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được: Cần phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như điểm (1) ở trên chưa? Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
- Mục đích của hôn nhân không đạt được: Được hiểu là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
Thứ ba, về thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương.
Căn cứ theo quy định tại Điều 28, Điều 35 và Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người nộp đơn xin ly hôn phải nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi bị đơn (người bị yêu cầu ly hôn) đang cư trú (thường trú, tạm trú). Ví dụ, người vợ muốn đơn phương ly hôn thì phải nộp Đơn xin ly hôn tại nơi người chồng đang đăng ký cư trú (thường trú, tạm trú).
Thứ tư, về thủ tục ly hôn đơn phương.
- Hồ sơ ly hôn:
Hồ sơ ly hôn, bao gồm các giấy tờ sau: (i) Đơn yêu cầu giải quyết việc đơn phương ly hôn; (ii) Bản chính Giấy Đăng ký kết hôn (ĐKKH); (iii) Bản sao Sổ hộ khẩu của cả hai vợ chồng; (iv) Bản sao CMND của cả hai vợ chồng; (v) Bản sao giấy khai sinh của các con (nếu có); (vi) Bản sao các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản chung của hai vợ chồng.
Tuy nhiên, ly hôn đơn phương là xuất phát từ ý chí của một bên vợ hoặc chồng. Cho nên, trong nhiều trường hợp, bên còn lại thường hay gây khó dễ bằng việc không cung cấp đầy đủ thậm chí còn tiêu hủy các giấy tờ cần thiết vì không muốn ly hôn. Nếu một bên vợ hoặc chồng nhất định không cung cấp một trong các loại giấy tờ như: giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, CMND, giấy khai sinh của các con, anh (chị) có thể xử lý, như sau:
(i) Về sổ hộ khẩu: Liên hệ với công an cấp phường, xã để có được sự xác nhận về việc hai vợ chồng là các cá nhân thường trú thường xuyên tại địa phương (có thể làm thành một giấy xác nhận riêng, hoặc xác nhận trực tiếp nội dung này vào đơn ly hôn).
(ii) Về đăng ký kết hôn: Liên hệ với cơ quan hộ tích quản lý về đăng ký và lưu trữ hồ sơ ĐKKH cấp xã nơi đã cấp bản chính ĐKKH cho hai vợ chồng để được trích lục và cấp bản sao.
(iii) Về giấy khai sinh: cũng tương tự, Bộ phận hộ tịch sẽ trích lục bản sao khi công dân có yêu cầu.
(iv) Riêng đối với giấy chứng minh quyền sở hữu chung tài sản, CMND của người kia nếu không có thì khi nộp hồ sơ, tốt nhất là hãy trình bày rõ hoàn cảnh và khéo léo để tòa án thụ lý hồ sơ của mình. Khi đó, về sau trong quá trình thực hiện thủ tục tòa tất sẽ có yêu cầu độc lập để yêu cầu đương sự còn lại phải cung cấp cho tòa. Bên cạnh đó về nguyên tắc, khi nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Tòa án, anh (chị) có nghĩa vụ cung cấp giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân, nhân thân của vợ, chồng… (Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) mặc dù vậy kể cả trong trường hợp không có những chứng cứ đó nhưng anh (chị) vẫn có thể nộp đơn ly hôn và tường trình về hoàn cảnh thực tế của mình không thể có các giấy tờ trên trước Tòa án và yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập các giấy tờ đó (Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
- Trình tự, thủ tục:
Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại TAND quận/huyện nơi bị đơn (chồng hoặc vợ) đang cư trú, làm việc;
Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;
Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.
Đối với trường hợply hôn khi một bên mất tích, căn cứ vào Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 388 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 thì phải tiến hành theo trình tự sau:
- Thủ tục 01: Yêu cầu Tòa án tuyên bố người chồng mất tích.
Luật gia Bùi Thị Phượng - Nhóm tư vấn pháp luật trực tuyến của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected]
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận