-->

Luật sư tư vấn về làn đường khi tham gia giao thông

Công ty Luật TNHH Everest tư vấn về làn đường khi tham gia giao thông.

Hỏi: Trên đoạn đường một chiều trong khu vực thành phố thị xã, không có biển cấm dừng, cấm đỗ, không có biển báo làn đường. Làn 1 và làn 2 ngăn cách bởi vạch kẻ đường đứt quãng, Làn thứ 3 ngăn cách làn 2 bởi vạch kẻ đường vạch liền chiều rộng vạch kẻ đường là 20cm. Vậy làn đường thứ 3 này thộc làn đường dành cho phương tiện nào, xe ô tô có được đỗ ở trong đoạn đường này không? (Hà Thu - Lai Châu)
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Bùi Thị Phượng - Tổ tư vấn pháp luật giao thông Công ty Luật TNHH Everest trả lời:


1. Quy định về sử dụng làn đường khi tham gia giao thông

Theo quy định tại Điều 13 Luật giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 về sử dụng làn đường khi tham gia giao thông:

Điều 13. Sử dụng làn đường

1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

2. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.

3. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải”.

Theo QCVN 41:2012/BGTVT về ý nghĩa của Biển báo hiệu chỉ dẫn phân làn xe trên tuyến đường có 3 làn xe như sau:

"1. Làn thứ nhất (vẽ ký hiệu ô tô): Chỉ dẫn làn đường dành cho các loại ô tô.

2. Làn thứ hai (vẽ ký hiệu ô tô bên trên, xe máy bên dưới): Chỉ dẫn làn đường dành cho các loại ô tô và xe máy đi chung (làn hỗn hợp).

3. Làn thứ ba (vẽ ký hiệu xe máy bên trên, xe thô sơ bên dưới): Chỉ dẫn làn đường dành cho xe máy và xe thô sơ đi chung (làn hỗn hợp)".

Anh cung cấp thông tin là khi tham gia giao thông đoạn đường được phân thành 3 làn đường, không có biển báo hiệu. Tuy nhiên căn cứ quy định trên, làn đường thứ 3 sẽ dành cho xe máy và xe thô sơ, nếu anh điều khiển xe ô tô thì anh tham gia giao thông tại làn thứ nhất và làn thứ 2. Nếu anh điều khiển xe ô tô đi vào làn đường thứ 3 thì Cảnh sát giao thông có quyền xử phạt anh về lỗi “đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định” theo điểm c Khoản 4 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP.

2. Quy định về việc đỗ xe ô tô

Căn cứ Điều 18, Điều 19 Luật GTĐB năm 2008 quy định về dừng, đỗ xe:

“Điều 18. Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ

1. Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.

2. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây: a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình; c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó; d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn; e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái; g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

4. Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: a) Bên trái đường một chiều; b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; c) Trên cầu, gầm cầu vượt; d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ; đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; g) Nơi dừng của xe buýt; h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt; l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ”.

“Điều 19. Dừng xe, đỗ xe trên đường phố

Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:

1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định”.

Theo quy định trên, việc anh đỗ xe tại làn đường thứ 3 phải đảm bảo điều kiện tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 18 Luật GTĐB năm 2008 (nếu đỗ xe trên đường bộ), và phải đúng quy định tại Điều 19 Luật GTĐB năm 2008 (nếu đỗ xe trên đường phố).

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật giao thông mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.