Ly hôn là sự chấm dứt quan hệ hôn nhân (giữa vợ và chồng) trên danh nghĩa pháp luật công nhận theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc của cả vợ và chồng.
Sau khi ly hôn, giữa vợ và chồng sẽ không còn bất kỳ quan hệ gì với nhau, do đó khi ly hôn ngoài việc chấm dứt quan hệ hôn nhân còn phải phân chia người trực tiếp nuôi con, tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Khái niệm ly hôn theo pháp luật hôn nhân và gia đình
Theo quy định tại Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì:“ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án” (khoản 14 Điều 3).
Người có quyền yêu cầu giải quyết và làm thủ tục ly hôn
Quyền yêu cầu ly hôn là quyền gắn liền với nhân thân, do đó vợ, chồng là người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng dobị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họthì cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Một số lưu ý quan trọng khi tiến hành thủ tục ly hôn
Người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn khi người vợ đang có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, không phân biệt người vợ có thai với ai hoặc bố của đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi là ai. Vì thế, nếu người chồng có đơn xin ly hôn vào thời điểm vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc đang có thai thì Tòa án có thể bác yêu cầu xin ly hôn.
Về quyền trực tiếp nuôi con:Đối với trường hợp có con dưới 36 tháng tuổi, người mẹ sẽ được quyền ưu tiên trực tiếp nuôi con (Tòa án có thể giao cho người cha trực tiếp nuôi con trong trường hợp cha mẹ có thỏa thuận và việc thỏa thuận đó phù hợp với lợi ích của người con hoặc trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc con). Đối với con từ 03 tuổi đến 07 tuổi cha mẹ có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nếu không thỏa thuận được Tòa án sẽ quyền lợi về mọi mặt của con để giao cho 01 người trực tiếp nuôi. Trường hợp con trên 7 tuổi sẽ xem xét ý kiến của con.
Án phí cơ bản khi ly hôn (không có yêu cầu về chia tài sản) là 300.000 đồng; Trong trường hợp có yêu cầu về tài sản thì án phí được tính tương ứng với mức tài sản yêu cầu.
Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.
Khi ly hôn, quyền sử dụng đất mà mỗi bên có được trước khi kết hôn do được chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, nhận thế chấp hoặc quyền sử dụng đất mà mỗi bên được nhà nước giao, được cho thuê trước khi kết hôn vẫn là tài sản riêng của mỗi bên; quyền sử dụng đất của bên nào vẫn thuộc về bên đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Quy định về ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên), thuận tình ly hôn
- Ly hôn đơn phương: Là ly hôn theo yêu cầu của 1 bên, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được..
- Thuận tình ly hôn: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Địa chỉ nộp đơn xin ly hôn
Tòa án là nơi thụ lý hồ sơ ly hôn và là cơ quan duy nhất có trách nhiệm đưa ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Căn cứ pháp luật hiện hành, thẩm quyền thụ lý đơn xin ly hôn của Tòa án được phân định theo bản chất của từng vụ việc ly hôn. Do đó, người nộp đơn xin ly hôn cần phải đặc biệt lưu ý để đảm bảo hồ sơ được nộp tại đúng Tòa án có thẩm quyền.
- Đối với trường hợp thuận tình ly hôn: Người nộp đơn xin ly hôn có thể nộp Đơn xin ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi một trong hai vợ chồng đang đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.
- Đối với trường hợp đơn phương ly hôn: Người nộp đơn xin ly hôn phải nộp Đơn xin ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn (người bị yêu cầu ly hôn) đang cư trú (thường trú, tạm trú). Ví dụ, người vợ muốn đơn phương ly hôn thì phải nộp Đơn xin ly hôn tại nơi người chồng đang đăng ký cư trú (thường trú, tạm trú).
- Đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài: Người nộp đơn xin ly hôn phải nộp Đơn xin ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người nộp đơn đang cư trú (thường trú, tạm trú).
Người nộp đơn cần xem trường hợp nào phù hợp với mình để có thể lựa chọn nơi nộp Đơn cho chính xác, tránh tốn kém thời gian đi lại.
Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng:Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.
Đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được: phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
Những giấy tờ cần có trong bộ hồ sơ xin ly hôn
Hồ sơ ly hôn cơ bản cần có những giấy tờ sau:
(i) Đơn xin ly hôn hoặc Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (theo mẫu của Tòa án). Nếu người ký là người đang ở nước ngoài thì phải có xác nhận của sứ quán Việt Nam tại nước ngoài (đối với người VN) hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (đối với người nước ngoài).
(ii) Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn kiện.
(iii) Giấy CMND (Hộ chiếu); Hộ khẩu (bản sao chứng thực) của hai bên.
(iv) Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có con).
(v) Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).
(vi) Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài).
Thủ tục giải quyết việc ly hôn
(i) Trong trường hợp thuận tình ly hôn:
- Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại Tòa án nhân dân quận/huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng.
- Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc Tòa án kiểm tra đơn và ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho đương sự.
- Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;
- Bước 4: Trong thời hạn 15 ngày làm việc Tòa án tiến hành mở phiên hòa giải.
- Bước 5: Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hòa giải không thành (không thay đổi quyết định về việc ly hôn) nếu các bên không thay đổi ý kiến Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
(ii) Trong trường hợp đơn phương xin ly hôn:
- Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại TAND quận/huyện nơi bị đơn (chồng hoặc vợ) đang cư trú, làm việc;
- Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;
- Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;
- Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.
Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng chi nhánh Quảng Ninh của Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận