-->

Luật sư chuyên tư vấn tranh chấp lối đi chung khi xây nhà

Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng.

Hỏi: Trước năm 1990 cơ quan cấp cho bố tôi một mảnh đất. Nhà tôi sử dụng mặt ngõ trước của cơ quan. Cách đây 9 năm nhà tôi có quay ngõ phụ ra đằng sau. Vì điều kiện kinh tế nhà tôi muốn làm 42 m vuông quay ra ngõ sau để bố mẹ tôi ở. Còn đằng trước phần cho hai con trai đi làm xa nhà sau này ở. Bố tôi thuộc diên chính sách được hưởng chế độ thương binh 61%. Hiện tại nhà tôi đang xây quay ngõ sau, nhưng một số dân làm đơn kiện lên phường không cho nhà tôi quay ra vì họ nói nhà tôi không thuộc diện ở ngõ sau (nhưng hai ngõ lại thuộc cùng một tổ dân phố). Trước nhà tôi có làm đơn trình bày hoàn cảnh lên phường thì tổ trưởng dân phố và phường nhất trí cho làm nhưng một số hộ dân vẫn gây khó dễ. Họ còn đe dọa nếu không kiện được lên phường thì họ kiện lên thành phố. Nếu cố tình làm thì họ rào không cho đi. Đề nghị Luật sư tư vấn, hộ gia đình tôi có điều luật đất đai nào quy định nhà tôi không được quay ngõ sau không? Quy định về sử dụng ngõ đi chung thế nào? (Thảo Trang - Ninh Bình)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6218

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phùng Thị Huyền - Tổ tư vấn pháp luật đất đai Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:


Theo thông tin mà anh (chị) cung cấp, trước hết, cần xác định lối đi chung ở ngõ sau có thuộc diện tích đất của những nhà khác hay là đất công ích của xã, phường thị trấn.

Trường hợp là đất của các hộ dân thì anh (chị) phải là bất động sản bị vây bọc mà không có lối ra nào khác thì mới có quyền yêu cầu họ mở cho một đi ra. Khi đó anh (chị) sẽ phải đền bù một khoản cho phần diện tích đó nếu không có thảo thuận khác.

Theo điều 275 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền về lối đi qua bất động sản liền kề như sau:
"1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi. 2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định. 3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù".

Trường hợp đất đó là đất công ích của xã, phường thì gia đình anh (chị) cần xin phép chính quyền địa phương. Nếu được chấp nhận thì những hộ dân khác không có quyền phản đối trừ trường hợp việc mở lối đi cho gia đình anh (chị) gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật đất đai mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.