Khi chia tách thửa đất có hình thành ngõ đi sử dụng riêng thì ngõ đi phải có mặt cắt ngang từ… 1m trở lên đối với thửa đất thuộc khu vực các phường, thị trấn và các xã giáp ranh.
Hỏi: Tháng 08/2018, vợ chồng tôi nhận chuyển nhượng 03 (ba) thửa đất số (46-2)-1; (46-2)-2; (46-2)-3, tờ bản đồ số 18, P. Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) từ vợ chồng ông Quang, bà Oanh. Sơ đồ thửa đất thể hiện có lối đi chung là ngõ 211 phố Lâm Du. Các thửa đất này đều đã được UBND Q. Long Biên cấp GPXD vào hoàn thành thủ tục đăng ký đất đai trong tháng 09/2018. Tuy nhiên, khi chúng tôi chuẩn bị xây dựng nhà thì một số hộ dân đồng sử dụng lối đi chung (ngõ 211 phố Lâm Du) đã ngăn cản, cho rằng đây là ngõ đi nội bộ của họ. Sự việc đã được chúng tôi trình báo tới Công an và UBND phường. Gần đây, các hộ này công khai làm tường rào, bịt kín lối đi vào thửa đất của chúng tôi, nhưng các cơ quan chức năng không có hành động xử lý cụ thể. Đề nghị luật sư tư vấn, việc một số người tự ý làm hàng rào, bịt kín lối đi vào thửa đất của chúng tôi nêu trên là đúng, hay sai? Chúng tôi có thể yêu cầu cơ quan nào giải quyết?
(Nguyễn Thị Anh Thư, Long Biên, Hà Nội)
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198 - trả lời:
Đối với trường hợp của Bà, chúng tôi cho rằng có hai vấn đề pháp lý chính cần xem xét:
Một là, tính hợp pháp của các thửa đất và lối đi chung.
Theo quy định tại Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 01/06/2017 của UBND TP. Hà Nội, ban hành quy định về hạn mức giao đất; hạn mức công nhận quyền sử dụng đất; kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP. Hà Nội, thì: “Khi chia tách thửa đất có hình thành ngõ đi sử dụng riêng thì ngõ đi phải có mặt cắt ngang từ… 1m trở lên đối với thửa đất thuộc khu vực các phường, thị trấn và các xã giáp ranh”. Đồng thời, các thửa đất được chia tách phải đảm bảo “có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 03 mét trở lên”, “có diện tích không nhỏ hơn 30 m2” (khoản 1, khoản 2 Điều 5).
Căn cứ tài liệu do Bà cung cấp, chúng tôi thấy rằng, các thửa đất số (46-2)-1; (46-2)-2; (46-2)-3 của gia đình Bà được tách ra từ thửa đất số 46-2 (trước đó là thửa đất số 46), tờ bản đồ số 18, P. Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội), đã được Sở TN&MT Hà Nội cấp Giấy chứng nhận. Sơ đồ thửa đất đã thể lối đi chung vào các thửa đất trên là ngõ 211 Lâm Du (Long Biên, Hà Nội). Chúng tôi lưu ý, số ngõ do UBND P. Bồ Đề thực hiện theo Quyết định của HĐND TP. Hà Nội, người dân không tự đánh số nhà, ngõ. Đồng thời, 03 thửa đất nêu trên đều đã được UBND Q. Long Biên cấp GPXD. Như vậy, các cơ quan chức năng đã thẩm định và công nhận tính hợp pháp của 03 thửa đất này, đồng thời công nhận lối đi của 03 thửa đất là ngõ 211 Lâm Du và cho phép gia đình Bà được xây dựng nhà theo đúng GPXD.
Hai là, về việc một số người đã làm hàng rào, gây cản trở việc sử dụng đất của gia đình Bà.
Như thông tin bà cung cấp và phân tích ở trên, thì tính hợp pháp của các thửa đất và lối đi (chung) của các thửa đất đã được pháp luật công nhận. Việc một số người đã làm hàng rào, gây cản trở việc sử dụng đất của gia đình Bà được xác định là hành vi trái pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, thì người có hành vi “làm hàng rào gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác” bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (khoản 2 Điều 11). Ngoài việc bị xử phạt, người vi phạm buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm (khoản 3 Điều 11). Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện (UBND quận Long Biên).
Bà cho biết, đã gửi đơn, thư đề nghị tới các cơ quan chức năng. Đáng lẽ, các cơ quan cần chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm, không để việc vi phạm pháp luật thực hiện công khai, liên tục. Vậy, chúng tôi khuyến nghị Bà gửi đơn tới UBND Q. Long Biên và các cơ quan chức năng trong địa bàn, đề nghị xử lý triệt để vụ việc.
Ngoài ra, đối với những thiệt hại xuất phát từ hành vi “làm hàng rào gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác” nêu trên, Bà có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu Tòa án buộc những người có hành vi vi phạm phải bồi thường thiệt hại.
Khuyến nghị:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận