Dịch vụ logistics được quy định tại Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ logistics.
Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
Chủ thể của quan hệ dịch vụ gồm hai bên: Người làm dịch vụ logistics và khách hàng.
Người làm dịch vụ phải là thương nhân, có đăng kí kinh doanh để thực hiện dịch vụ logistics (ngành nghề kinh doanh của công ty phải có dịch vụ logistics). Thủ tục đăng ký kinh doanh được thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành, phụ thuộc vào hình thức pháp lý của thương nhân.
Khách hàng là những người có hàng hoá cần gửi hoặc cần nhận và có nhu cầu sử dụng dịch vụ giao nhận. Khách hàng có thể là người vận chuyển hoặc thậm chí có thể là người làm dịch vụ logistics khác. Như vậy, khách hàng có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân; có thể là chủ sở hữu hàng hoá hoặc không phải là chủ sở hữu hàng hoá.
Nội dung của dịch vụ logistics rất đa dạng, bao gồm các công việc như:
- Nhận hàng từ người gửi để tổ chức việc vận chuyển: Đóng gói bao bì, ghi kí mã hiệu; chuyển hàng từ kho của người gửi tới cảng, bến tàu, bến xe và địa điểm giao hàng khác theo thoả thuận giữa người vận chuyển với người thuê vận chuyển;
- Làm các thủ tục, giấy tờ cần thiết (thủ tục hải quan, vận đơn vận chuyển, làm thủ tục gửi giữ hàng hoá, làm các thủ tục nhận hàng...) để gửi hàng hoá hoặc nhận hàng hoá được vận chuyển đến;
- Giao hàng hoá cho người vận chuyển; xếp hàng hóa lên phương tiện vận chuyển theo quy định; nhận hàng hóa được vận chuyển đến;
- Tổ chức nhận hàng, lưu kho, lưu bãi, bảo quản hàng hoá hoặc thực hiện việc giao hàng hoá được vận chuyển dến cho người có quyền nhận hàng.
Dịch vụ logistics được cung cấp bao gồm:
- Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay;
- Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển;
- Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải;
- Dịch vụ chuyển phát;
- Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa;
- Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan);
- Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải;
- Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng;
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển;
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa;
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt;
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ;
- Dịch vụ vận tải hàng không;
- Dịch vụ vận tải đa phương thức;
- Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật;
- Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác;
- Các dịch vụ khác do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại.
Thương nhân kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa được khách hàng trả tiền công và các khoản chi phí hợp lí khác từ việc cung ứng dịch vụ.
Dịch vụ logistics được thực hiện trên cơ sở hợp đồng.
Hợp đồng dịch vụ logistics là sự thoả thuận, theo đó, một bên (bên làm dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện hoặc tổ chức thực hiện một hoặc một số dịch vụ liên quan đến quá trình lưu thông hàng hóa còn bên kia (khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán thù lao dịch vụ.
Với tính chất của một hợp đồng dịch vụ, hợp đồng dịch vụ logistics là hợp đồng song vụ, hợp đồng ưng thuận và mang tính chất đền bù.
Chủ thể của hợp đồng bắt buộc một bên (bên làm dịch vụ) phải có tư cách thương nhân; bên còn lại (khách hàng) có thể là thương nhân mà cũng có thể là các tổ chức, cá nhân không có tư cách thương nhân.
Đối tượng của hợp đồng là các dịch vụ gắn liền với hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa, giao hàng hóa cho người vận chuyển, làm các thủ tục giấy tờ cần thiết để vận chuyển hàng hóa, nhận hàng từ người vận chuyển để giao cho người có quyền nhận hàng…
Hợp đồng không bắt buộc phải ký kết dưới hình thức văn bản.
Tuy Luật Thương mại năm 2005 không quy định cụ thể về các nội dung chủ yếu của hợp đồng dịch vụ logistics nhưng với tính chất của hợp đồng dịch vụ thì hợp đồng dịch vụ logistics thường có các điều khoản sau:
- Nội dung công việc mà khách hàng uỷ nhiệm cho bên làm dịch vụ giao nhận hàng hoá thực hiện;
- Các yêu cầu cụ thể đối với dịch vụ;
- Thù lao dịch vụ và các chi phí liên quan đến việc thực hiện dịch vụ giao nhận hàng hoá; nghĩa vụ thanh toán thù lao và các chi phí dịch vụ;
- Thời gian và địa điểm thực hiện dịch vụ;
- Giới hạn trách nhiệm và các trường hợp miễn trách với người làm dịch vụ.
Ngoài ra, tuỳ từng trường hợp cụ thể, các bên có thể thoả thuận và ghi trong hợp đồng những nội dung khác.
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận