-->

Hợp đồng thế chấp là tài sản chung vợ chồng có bắt buộc phải có chữ ký của cả 2 vợ chồng không ?

Tài sản chung vợ chồng được xác định theo Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

Hỏi: Em đang có 1 số thắc mắc về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và đối tượng của hợp đồng thế chấp tại ngân hàng là tài sản chung của vợ chồng. Anh B vay ngân hàng, thế chấp bằng tài sản của vợ (chị A), tài sản của chị A là tài sản được cho tặng (đã sang tên cho chị Ạ). Những hợp đồng thế chấp chỉ do một mình chị Ạ ký, Tôi đang thắc mắc về những rủ độ của ngân hàng trong trường hợp tài sản được tặng cho của chị Ạ được chị A thỏa thuận là tài sản chung với chồng nhưng chỉ có 1 mình chị A ký hợp đồng thế chấp. Xin cho hỏi: 1. Chị A được tặng cho tài sản thì dù tặng cho trước hay sau hôn nhân đều là tài sản riêng của chị A phải không ? 2. Trường hợp chị A và chồng thỏa thuận tài sản chị A được tặng cho là tài sản chung nhưng chỉ thỏa thuận miệng hoặc có văn bản nhưng không công chứng thì có giá trị không? Nếu có văn bản thỏa thuận công chứng thì tài sản đó đã được coi là tài sản chung chưa. 3. Sau khi thỏa thuận là tài sản chung, thì vợ chồng chị A có bắt cuộc cả 2 vợ chồng phải đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không? 4. Hợp đồng thế chấp là tài sản chung của vợ chồng có bắt buộc phải cả 2 vợ chồng ký không? Trường hợp chỉ có chị A ký thì có phát sinh hiệu lực pháp luật không? (Khánh Giang - Hà Đông)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình Công ty Luật TNHH Everest trả lời:

Thứ nhất, về việc xác định tài sản chị A được tặng cho trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hay tài sản riêng.

Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về Tài sản riêng của vợ, chồng, như sau:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân…”

Như vậy, không phụ thuộc vào thời điểm được tặng cho. Tài sản mà chị A được tặng cho riêng dù trước hay trong thời kỳ hôn nhân vẫn sẽ được xác định là tài sản riêng của chị A.

Thứ hai, về việc thỏa thuận nhập tài sản riêng của chị A vào khối tài sản chung của vợ chồng.

Về vấn đề này, Luật HN & GĐ 2014 có quy định như sau:

Tại Điều 46 về Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung

“1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức”

Điều 47 về Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng

“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”

Như vậy, trong trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài chung theo thỏa thuận (nhập tài sản riêng thành tài sản chung) thì phải được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn và thỏa thuận này phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Trong trường hợp này, thì việc vợ chồng chị A thỏa thuận nhập tài sản riêng của chị A thành tài sản chung vợ chồng chính là việc vợ chồng chị A xác lập chế độ tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Theo đó, trong thời kỳ hôn nhân nếu chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì vợ, chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung 1 phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì : “2. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, nếu vợ chồng chị A thỏa thuận về việc nhập tài sản mà chị A được tặng cho riêng thành tài sản chung của vợ chồng, thì sự thỏa thuận này phải được lập thành văn bản và phải có công chứng. Nếu sự thỏa thuận chỉ bằng miệng hoặc bằng văn bản nhưng không được công chứng thì sự thỏa thuận này sẽ không có giá trị pháp lý.

Thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận kể từ ngày văn bản thỏa thuận có đồng thời chữ ký của công chứng viên và con dấu của Tổ chứng hành nghề công chứng. (Điều 5 Luật công chứng 2014)

Thứ ba, về việc đứng tên của vợ, chồng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Điều 34 Luật HN & GĐ 2014 quy định về Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung, như sau:

“1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”

Như vậy, về nguyên tắc, quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng thì trong giấy chứng nhận phải ghi tên của cả hai vợ chồng chị A. Song pháp luật cũng cho phép vợ chồng được tự thỏa thuận về vấn đề này. Theo đó, nếu vợ chồng chị A thỏa thuận và thống nhất cho 1 người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất này vẫn sẽ được xác định là tài sản chung của vợ chồng chị A.

Trường hợp “Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.” (Khoản 2 Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP)

Thứ tư, về hợp đồng thế chấp là tài sản chung của vợ chồng.

Khoản 2 Điều 24 Luật HN & GĐ 2014 có quy định: “Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng…”

Thông thường, khi ký hợp đồng thế chấp mà tài sản thế chấp là tài sản chung của vợ chồng. Thì trong hợp đồng thế chấp sẽ phải có chữ ký của cả hai vợ chồng. Song pháp luật cho phép vợ chồng được ủy quyền cho nhau để thực hiện các giao dịch theo quy định của pháp luật.

Bởi vậy, nếu chỉ có chị A ký tên trong hợp đồng thế chấp với ngân hàng thì chị A phải có văn bản ủy quyền từ người chồng về sự đồng ý của cả hai bên về việc người đại diện ký tên trong hợp đồng thế chấp.

Như vậy, nếu chị A có được sự ủy quyền của người chồng, thì hợp đồng thế chấp mà chị A ký với ngân hàng hoàn toàn có hiệu lực pháp luật.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.