Hợp đồng kì hạn là một dạng của hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, được quy định trong Luật thương mại năm 2005.
Theo khoản 1 Điều 64 Luật thương mại năm 2005 của Việt Nam thì hợp đồng mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá bao gồm hợp đồng kì hạn và hợp đồng quyền chọn. Mỗi loại hợp đồng có những đặc trưng riêng xuất phát từ đặc thù của quan hệ mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá. Bài viết này chỉ bàn về hợp đồng kì hạn với tư cách là hợp đồng cơ bản của quan hệ này.
Hợp đồng kì hạn được dịch từ tiếng Anh là “Futures contract”. Hợp đồng kì hạn được xác lập khi các bên mua bán hàng hoá tương lai thông qua sở giao dịch hàng hoá. Thuật ngữ này dùng để phân biệt với hợp đồng triển hạn (tiếng Anh là Forward contract) - loại hợp đồng mua bán tương lai nhưng không thực hiện qua sở giao dịch hàng hoá mà do các bên trực tiếp thiết lập. Luật thương mại năm 2005 của Việt Nam sử dụng thuật ngữ “hợp đồng kì hạn” để chỉ quan hệ mua bán hàng hoá tương lai qua sở giao dịch hàng hoá. Như vậy, mọi người cần hiểu rõ ràng rằng hợp đồng kì hạn là hợp đồng mua bán hàng hoá tương lai qua sở giao dịch hàng hoá, không phải là hợp đồng mua bán hàng hoá tương lai được kí trực tiếp giữa các bên.
Theo khoản 2 Điều 64 Luật thương mại năm 2005: “Hợp đồng kì hạn là thoả thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng”. Như vậy, theo cách định nghĩa truyền thống, hợp đồng kì hạn giống như những hợp đồng mua bán thông thường, đó là sự thoả thuận, thống nhất ý chí giữa các chủ thể giao kết để chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua và đổi lấy khoản tiền là giá trị hàng hoá.
Tuy nhiên, khác với mua bán thông thường, việc kí kết hợp đồng kì hạn không phải là kí kết trực tiếp giữa người bán và người mua mà được thực hiện thông qua sở giao dịch hàng hoá với tư cách là cơ quan trung gian. Khi một người muốn mua hàng hoá qua sở giao dịch, người đó sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá cũng như quy tắc, điều lệ hoạt động của sở giao dịch hàng hoá đó. Cụ thể, người này sẽ phải kí quỹ thông qua thành viên kinh doanh của sở giao dịch để đảm bảo giao dịch. Mức kí quỹ (hay còn gọi là tiền bảo chứng, bao gồm tiền bảo chứng ban đầu và tiền bảo chứng duy trì) do từng sở giao dịch quy định. Khoản tiền này không phải là số tiền mà khách hàng thanh toán cho lô hàng mình định mua mà là khoản tiền mang tính chất bảo đảm thực hiện hợp đồng trong tương lai.
Có thể hình dung quy trình mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá như sau: Khách hàng đặt lệnh mua hoặc lệnh bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá và lệnh này sẽ được thành viên kinh doanh của sở giao dịch chuyển lên sở giao dịch để khớp lệnh. Cùng một thời điểm, có thể có rất nhiều các lệnh mua hoặc lệnh bán hàng hoá khác được gửi đến sở giao dịch tuỳ theo yêu cầu của khách hàng. Nhu cầu của các khách hàng rất phong phú và đa dạng, kể cả về kì hạn, số lượng và giá cả. Sở giao dịch (cụ thể thông qua các nhân viên của mình) sẽ tiếp nhận tất cả các lệnh bán và lệnh mua đó để khớp lệnh theo nguyên tắc ưu tiên về giá, về số lượng và về thời điểm đặt lệnh. Hợp đồng mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá chỉ được coi là hình thành khi lệnh mua hoặc lệnh bán của khách hàng nhất định được khớp với lệnh bán hoặc lệnh mua của khách hàng khác theo nhu cầu của người đặt lệnh và các nguyên tắc ưu tiên trong khớp lệnh tại sở giao dịch.
Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy rằng mặc dù người đặt lệnh đã tìm được ít nhất một đối tác thoả mãn nhu cầu mua hoặc bán hàng hoá của mình và hợp đồng được hình thành, người đặt lệnh vẫn không thể biết đối tác đang thực hiện mua bán hàng hoá với mình là ai. Bởi vì việc ghi nhận lệnh mua, lệnh bán cũng như việc khớp các lệnh này với nhau để hình thành nên hợp đồng mua bán hàng hoá đều do bên trung gian là sở giao dịch thực hiện. Vì thế, việc sử dụng thuật ngữ “hợp đồng kì hạn là thoả thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá... ” trong Luật thương mại năm 2005 là chưa thực sự chuẩn xác do người bán và người mua không biết nhau, không trực tiếp gặp nhau để thoả thuận. Thay vào đó, hợp đồng kì hạn có thể định nghĩa là sự đồng thuận, sự thống nhất ý chí của các bên mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá, tuân thủ theo quy tắc, điều lệ hoạt động của sở giao dịch, chứ không thể gọi là sự thoả thuận của các bên giao kết như hợp đồng mua bán thông thường.
Luật gia Lưu Thị Phượng - Phòng cấp phép và đầu tư Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận