Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng tại khoản 1 Điều 67 Luật doanh nghiệp năm 2014 phải được Hội đồng thành viên chấp thuận.
Hỏi: Tôi là chủ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vật liệu xây dựng. Anh trai tôi là giám đốc công ty xây dựng. Đầu năm 2016, tôi và anh trai có ký hợp đồng mua bán trị giá 400 triệu đồng. Theo hợp đồng, tôi sẽ được thanh toán khoản tiền đó vào ngày giao xi măng. Tuy nhiên, sau khi giao hàng, tôi đề nghị công ty thanh toán nhưng Chủ tịch Hội đồng thành viên phàn nàn cho rằng giá chúng tôi đưa ra là cao so với thị trường và không thanh toán vì cho rằng hợp đồng vô hiệu do giám đốc công ty đã ký hợp đồng với em ruột mà không được sự đồng ý của Hội đồng thành viên. Xin Luật sư tư vấn trường hợp của tôi có vô hiệu không, tôi nên giải quyết như thế nào?(Trần Bình - Hà Nam) Luật gia Nguyễn Thị Kiều Anh - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Điều 17 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định:
“Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
đ) Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty hoặc của nhân viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối”.
Khoản 1 Điều 67 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định:
“1.Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận: a) Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty;
b) Người có liên quan của những người quy định tại điểm a khoản này;
c) Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ;
d) Người có liên quan của người quy định tại điểm c khoản này”.
“3. Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết không đúng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, gây thiệt hại cho công ty. Người ký kết hợp đồng, giao dịch, thành viên có liên quan và người có liên quan của thành viên đó phải bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch được ký kết không đúng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này hoặc gây thiệt hại cho công ty".
Như vậy, pháp luật doanh nghiệp quy định hợp đồng giữa công ty TNHH với người có liên quan đến giám đốc công ty phải được Hội đồng thành viên chấp thuận, hợp đồng giao kết trái với quy định nêu trên sẽ vô hiệu và thành viên có liên quan và người có liên quan của thành viên phải bồi thường thiệt hại nếu phát sinh. Trong trường hợp của anh (chị), hợp đồng giữa công ty và em ruột của giám đốc không có sự chấp thuận của Hội đồng thành viên nên hợp đồng này là vô hiệu. Theo chúng tôi, anh (chị) nên chủ động thảo luận, đề xuất phương án bàn bạc với các thành viên của công ty về các nội dung của hợp đồng, đưa ra đơn giá phù hợp nhằm thuyết phục họ đồng ý bằng văn bản và tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận