Căn cứ theo quy định tại điều Điều 645 BLDS Bộ luật dân sự thì thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Hỏi: Tôi lập gia đình cách đây 20 năm. Sống cùng ba mẹ chồng, vợ chồng tôi có 2 con và 1 chị chồng không lập gia đình. Chồng tôi là con trai út, đã nuôi dưỡng cha mẹ già bệnh. Ba chồng tôi mất năm 1995 không lập di chúc. Mẹ chồng tôi mất năm 2010 không lập di chúc nhưng tài sản đã được chia đều cho các anh chị trong nhà, chỉ có phần của mẹ chồng, chồng và chị chồng còn chung, (chưa chia ra). Trong thời gian nằm bệnh, chị chồng đã yêu cầu mẹ chồng sang tên toàn bộ tài sản (kể cả phần của chồng tôi) cho chị ta đứng tên và hứa sau này sẽ sang lại phần chồng tôi cho chồng tôi. Nay chồng tôi mất nhưng phần của chồng tôi vẫn chưa được sang tên (chị chồng đứng tên). Vậy xin hỏi Luật sư, tôi và các con tôi có được hưởng phần đó hay không? Làm sao lấy lại được phần của chồng tôi? (Thanh Sơn - Hải Dương)
Đối với phần di sản thừa kế mà chồng bạn được thừa kế từ bố chồng bạn, đến bây giờ (năm 2014) đã hết thời hiệu khởi kiện. Căn cứ theo quy định tại điều Điều 645 BLDS Bộ luật dân sự thì thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Về phần tài sản của mẹ chồng bạn:
Trong thời gian nằm bênh, mẹ chồng bạn đã sang tên toàn bộ tài sản cho chị chồng bạn đứng tên, như vậy có thể thấy giữa mẹ chồng bạn và chị chồng bạn đã tồn tại hợp đồng tặng cho tài sản. Tài sản bao gồm động sản và bất động sản.
Điều 466 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký”.
Khoản 1 Điều 467 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu”.
Như vậy, đối với động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực từ khi chị chồng bạn nhận tài sản; đối với loại tài sản này thì bạn không yêu cầu đòi quyền lợi được.
Đối với động sản phải đăng ký sở hữu, thì chị bạn đã đứng tên trên toàn bộ tài sản, như vậy là chị bạn đã đăng ký sở hữu và hợp đồng tặng cho đã có hiệu lực.
Tặng cho tài sản là bất động sản thì cần phải chia hai trường hợp:
- Trường hợp thứ nhất: hợp đồng tặng cho bất động sản đã được công chứng, chứng thực và thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định pháp luật bạn sẽ không yêu cầu quyền lời để đòi lại được phần tài sản của chồng bạn.
- Trường hợp thứ hai: hợp đồng tặng cho bất động sản chưa được công chứng, chứng thực, thì hợp đồng này sẽ vô hiệu.
Khi hợp đồng vô hiệu thì sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý được quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật dân sự 2005: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Như vậy, theo trường hợp thứ hai thì chị chồng bạn phải hoàn trả lại phẩn tài sản là bất động sản cho chồng bạn. Vì chồng bạn mất không có di chúc, chình vì vậy phần di sản riêng mà chồng bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật.
Điểm a Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sựu 2005 quy định về người thừa kế như sau: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.
Căn cứ vào quy định trên, bạn và hai người con của bạn là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Ba người sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận