Quyền sở hữu trí tuệ đã và đang ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của các công ty và tính cạnh tranh của các công ty trên thị trường.
Với vai trò và ý nghĩa to lớn của mình, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được khai thác mạnh mẽ thông qua các hoạt động thương mại.
Quyền sở hữu trí tuệ đã và đang ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của các công ty và tính cạnh tranh của các công ty trên thị trường. Không chỉ vậy, quyền sở hữu trí tuệ còn được xem là công cụ đắc lực để phát triển kinh tế của các quốc gia. Hiện nay, ở Việt Nam, nhu cầu góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng có xu hướng gia tăng.
Tuy nhiên, do sự tương đồng giữa các hoạt động thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ nên hoạt động góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ thường bị nhẫm lẫn với các hoạt động thương mại khác của quyền sở hữu trí tuệ như li-xăng quyền sở hữu trí tuệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ , nhượng quyền thương mại
Thứ nhất, nhận diện hoạt động góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ
Góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ có thể hiểu là sự thỏa thuận của các bên, theo đó, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đưa các quyền sở hữu trí tuệ thuộc sở hữu của mình vào góp vốn trong phạm vi thời gian và không gian nhất định để đổi lấy quyền sở hữu đối với công ty. Góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ thường có ba hình thức:
Một là, cá nhân, tổ chức sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của mình để góp vốn thành lập công ty trong phạm vi quốc gia. Đây là hình thức đang có xu hướng tăng lên hiện nay. Thay vì việc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, nhiều cá nhân, tổ chức không thể tự mình khai thác các quyền sở hữu trí tuệ hay khai thác không có hiệu quả loại tài sản này thường tìm đến một hình thức đầu tư có tính lâu dài và có lợi hơn đó là sử dụng loại tài sản này để góp vốn thành lập công ty. Hình thức này không chỉ giúp chủ thể góp vốn khai thác được tiềm năng lâu dài của loại tài sản này, đồng thời có thể giúp cho tài sản của mình có cơ hội để phát triển hơn. Sự phát triển và gia tăng giá trị của loại tài sản này chính là sự gia tăng lợi nhuận cho chủ thể góp vốn.
Hai là, góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ để thành lập công ty liên doanh. Công ty liên doanh có thể hiểu là một hình thức của hiệp hội kinh doanh giữa hai hoặc nhiều tổ chức độc lập để thực hiện một dự án chung hoặc để đạt được một mục tiêu nhất định. Một trong những lý do chính cho hoạt động liên doanh là mở rộng phạm vi kinh doanh sang một khu vực địa lý mới, đưa ra các loại sản phẩm mới và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong các thị trường song song. Hình thức này được xem là khá hấp dẫn đối với các bên liên doanh. Đây được xem là một biện pháp hữu hiệu và cần thiết để thâm nhập vào thị trường mới, đặc biệt là những thị trường mà có sự hạn chế đầu tư từ bên ngoài. Khi liên doanh, vai trò của các thành viên được xác định rõ ràng thông qua tỷ lệ góp vốn. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy liên doanh có tỷ lệ thất bại tương đối cao nhưng đổi lại các bên tham gia lại có được những lợi thế nhất định.
Ba là, sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn thành lập công ty spin-off. Đây là loại hình công ty phổ biến ở nước ngoài nhưng còn khá hiếm ở Việt Nam. Loại hình công ty này thường bắt gặp ở các quốc gia có nền khoa học phát triển. Công ty công nghệ spin-off được hiểu là các công ty công nghệ triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học với hình thức đồng sở hữu của cơ sở nghiên cứu và nhà nghiên cứu và được quản lý độc lập với cơ sở nghiên cứu[1]. Đặc điểm của loại hình này đó là quy mô khởi đầu nhỏ và vừa với số vốn không quá lớn. Vì vậy, mô hình này vừa giúp tận dụng được cơ sở hạ tầng từ chính các trung tâm nghiên cứu, tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo từ đây. Đồng thời, với quy mô nhỏ và vừa nên khả năng thu hồi vốn nhanh do chi phí đầu tư xây dựng và quản trị thấp hơn.
Thứ hai, so sánh hoạt động góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ với hoạt động li-xăng quyền sở hữu trí tuệ và nhượng quyền thương mại
Li-xăng quyền sở hữu trí tuệ là việc chủ sở hữu cho phép các tổ chức, cá nhân khác được phép sử dụng các quyền nhân thân và quyền tài sản thuộc sở hữu của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Li-xăng quyền sở hữu trí tuệ là một trong những hình thức khai thác thương mại quyền sở hữu trí tuệ phổ biến.
Còn nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó, bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện nhất định. Nhượng quyền thương mại được coi là hình thức hữu hiệu để các bên nhượng quyền mở rộng hoạt động kinh doanh của họ. Ưu điểm chính của hình thức này đó là thông qua hoạt động nhượng quyền, bên nhượng quyền sẽ xây dựng được sự hiện diện toàn cầu một cách nhanh chóng với chi phí và rủi ro thấp.
Xét về mức độ phổ biến, hoạt động sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn thành lập công ty không phổ biến như hoạt động li-xăng quyền sở hữu trí tuệ hay nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế, những hoạt động thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ này lại rất dễ bị nhầm lẫn. Điều này xuất phát từ điểm chung giữa các hoạt động này đó chính là chuyển quyền để nhận những lợi ích nhất định từ việc chuyển quyền đó. Đối với việc li-xăng hay nhượng quyền thương mại, bên giao li-xăng hay bên nhượng quyền sẽ cho phép bên còn lại được phép sử dụng quyền sở hữu trí tuệ trong một khoảng thời gian và không gian nhất định, đổi lại bên kia (bên nhận li-xăng hoặc bên được nhượng quyền) sẽ phải trả cho bên giao li-xăng hay bên nhượng quyền một khoản tiền nhất định. Thông thường, phí li-xăng hay nhượng quyền thương mại sẽ được các bên ấn định một mức cụ thể. Tuy nhiên, nhiều trường hợp hiện nay không li-xăng theo phương pháp thông thường như vậy.
Một số trường hợp các bên thỏa thuận với nhau, theo đó, bên nhận quyền được phép sử dụng quyền sở hữu trí tuệ và bên chuyển quyền được nhận một khoản phí chuyển quyền chính là lợi nhuận của công ty tương ứng với giá trị của quyền sở hữu trí tuệ đã được các bên định giá. Trường hợp này trên thực tế nhiều chủ thể thường gọi đây là hành vi “góp vốn” nhưng thực chất bản chất của hành vi này lại là li-xăng. Bởi lẽ, li-xăng quyền sở hữu trí tuệ hay nhượng quyền thương mại thực chất là việc chủ sở hữu “cho thuê” các quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Từ việc li-xăng quyền sở hữu trí tuệ hay nhượng quyền thương mại, các chủ sở hữu thu được các khoản tiền nhất định từ việc cho thuê quyền sở hữu trí tuệ của mình mà không làm mất đi quyền sở hữu của mình đối với các quyền đó. Và theo đó, các chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp có thể cùng lúc li-xăng quyền sở hữu trí tuệ hay nhượng quyền thương mại cho nhiều chủ thể khác nhau. Còn đối với góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu quyền sở hữu trí tuệ sẽ chuyển giao cho công ty nhận góp vốn. Như vậy, khi sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn, quyền sở hữu quyền sở trí tuệ của chủ sở hữu sẽ bị chuyển hóa thành phần vốn góp trong công ty, chủ sở hữu sẽ được hưởng phần lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp của mình vào công ty. Vì vậy, khi sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chỉ có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của mình để góp vốn một lần duy nhất vào một công ty duy nhất trong một phạm vi không gian nhất định.
Riêng đối với hoạt động góp vốn thành lập công ty và hoạt động nhượng quyền thương mại, ngoài sự khác biệt nói trên, một điểm không tương đồng có thể nhận thấy rất rõ giữa hai hoạt động này chính là về đối tượng. Đối tượng của hoạt động nhượng quyền thương mại rộng hơn nhiều so với đối tượng của hoạt động góp vốn. Khi nhượng quyền thương mại, quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ chỉ là một phần của hợp đồng nhượng quyền, kèm theo đó bên nhượng quyền đồng thời phải chuyển giao cách thức, bí quyết tiến hành kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, thiết kế địa điểm kinh doanh… Bên cạnh đó, khi nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền còn có trách nhiệm hỗ trợ, kiểm soát đối với bên được nhượng quyền. Điều này không xảy ra trong hoạt động góp vốn, bởi lẽ, khi góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu quyền sở hữu trí tuệ không còn thuộc về chủ thể góp vốn mà chuyển sang cho bên nhận góp vốn, do đó bên góp vốn không có quyền kiểm soát, cũng như không có nghĩa vụ phải hỗ trợ cho bên nhận góp vốn.
Thứ ba, so sánh hoạt động góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ và chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ
Chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ là việc chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chuyển quyền sở hữu một, một số quyền nhân thân và quyền tài sản thuộc quyền sở hữu trí tuệ của mình cho các cá nhân, tổ chức khác. Thông thường việc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trong trường hợp bên chuyển nhượng không thể tự mình khai thác cũng như phát triển các tài sản này.
Sự tương đồng giữa hai hình thức này đó chính là khi góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ hay chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu quyền sở hữu trí tuệ sẽ được chuyển sang cho bên nhận góp vốn hoặc bên nhận chuyển nhượng. Tuy nhiên, bản chất của chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ chính là việc chủ sở hữu bán các quyền của mình cho chủ thể khác để thu lại một khoản tiền nhất định. Trong khi đó, bản chất của góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ lại là đổi quyền để hưởng quyền chủ sở hữu đối với công ty nhận góp vốn. Giá trị quyền sở hữu trí tuệ mà chủ thể góp vốn tương ứng với tỷ lệ nhất định trong tổng số vốn góp của tất cả các thành viên. Chủ thể góp vốn sẽ được nhận quyền chủ sở hữu của công ty tương ứng với tỷ lệ với vốn góp và được hưởng lợi nhuận tương ứng tỷ lệ vốn góp đó.
Như vậy, góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ không chỉ đơn thuần là việc “trao đổi ngang giá” như chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, nếu như chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, bên chuyển nhượng được nhận một khoản tiền từ việc chuyển nhượng và quyền sở hữu sẽ bị mất đi thì đối với việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ mặc dù quyền sở hữu được chuyển sang cho bên nhận góp vốn nhưng trong trường hợp nếu bên góp vốn rút vốn khỏi công ty thì bên góp vốn có thể nhận lại quyền sở hữu trí tuệ của mình. Một số trường hợp nếu bên góp vốn không muốn nhận lại quyền sở hữu trí tuệ thì bên góp vốn có thể yêu cầu nhận một khoản tiền tương ứng với giá trị phần vốn góp trong công ty.
Tóm lại, mặc dù các hoạt động thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ khác có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên bên cạnh đó mỗi hoạt động đều có những đặc trưng riêng. Để nhận diện đúng hoạt động góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ trong các hoạt động thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ cần nắm rõ được bản chất của hoạt động này. Việc nhận diện đúng các hoạt động thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ là cơ sở để đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể khi khai thác thương mại loại tài sản này.
Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected]
Bình luận