-->

Hình thức sai phạm về hóa đơn tài chính, một số lưu ý quan trọng

Doanh nghiệp khi có vi phạm các dạng sai phạm hóa đơn bất hợp pháp có thể bị xử lý theo quy định.

Khi nhận hóa đơn tài chính (hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng thông thường) từ bên bán, rất nhiều kế toán và cán bộ thuộc các phòng ban khác nhau của doanh nghiệp thường đối mặt với nhiều lo lắng. Sở dĩ có điều này là bởi người nhận chưa hiểu rõ ràng về tính pháp lý của hóa đơn tài chính, mặt khác hiện nay trên thị trường vẫn còn tồn tại nhiều hóa đơn bất hợp pháp của doanh nghiệp "ma".

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Hậu quả pháp lý khi doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là doanh nghiệp bị xử phạt về hóa đơn, bị loại thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào đã khấu trừ và bị loại chi phí (không được quyết toán vào chi phí được trừ trong năm tài chính có hóa đơn sai). Bên cạnh đó, còn có những sai phạm trong việc sử dụng hóa đơn tài chính tại doanh nghiệp, song người sử dụng hóa đơn tài chính lại chưa lường trước được hậu quả có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy từng trường hợp cụ thể

Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, như sau:"Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác" (khoản 1 Điều 23).

Thứ nhất, về các hình thức sai phạm, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn

Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quy định như sau:

- Các dạng sai phạm về việc sử dụng hóa đơn tài chính bất hợp pháp theo quy định pháp luật, như sau:

"Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế)." (Điều 22)

- Các dạng sai phạm về việc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn tài chính:

"1- Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác. 2- Một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn: (-) Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ; (-) Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế; (-) Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ; (-) Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn; (-) Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn." (Điều 23)

Thứ hai, về các hình thức xử lý đối với vi phạm về hóa đơn

- Xử lý vi phạm hành chính:

"2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này) hoặc hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư này).Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn và các trường hợp cụ thể xác định là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ."(Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 10/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 17/01/2014 hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn)

Bên cạnh đó, theo khoản 10 điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC (khoản 9 điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC) và theo Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 16/11/2013 của Bộ Tài chính thì mức xử phạt về vi phạm chính sách thuế Giá trị gia tăng như sau:

Tính tiền chậm nộp: 0,05%/mỗi ngày tính trên số tiền chậm nộp đối với hành vi chậm nộp tiền thuế, tiền phạt; Phạt 20% số tiền thuế thiếu đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn; Phạt từ 1 đến 3 lần số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

- Xử lý hình sự đối với việc quản lý hóa đơn tài chính:

Các dạng sai phạm hình sự điển hình về quản lý (thanh quyết toán) hóa đơn tài chính mà các doanh nghiệp có thể gặp phải được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể: Điều 204-Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu; Điều 203-Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nướcnộp ngân sách nhà nước.

Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 có các điều luật quy định liên quan đến việc quản ký hóa đơn, sai phạm hình sự trong việc sử dụng (thanh quyết toán) hóa đơn tài chính là các sai phạm mang tính cố ý làm sai (cố tình mua bán hóa đơn, gửi giá, lập hóa đơn khống, lập các hóa đơn, chứng từ giả để thanh quyết toán…). Và để quản lý hóa đơn tài chính bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi đó phải có đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm hình sự (khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm) thì mới đủ căn cứ để có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự.

Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].