-->

Hậu quả pháp lý khi đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền

Phạm vi ủy quyền là giới hạn quyền đại diện mà người được ủy quyền được phép xác lập, thực hiện giao dịch nhân danh người ủy quyền, phạm vi ủy quyền được xác định theo nội dung ủy quyền.

Đại diện vượt quá phạm vi ủy quyềnlà việc người được ủy quyền thực hiện hành vi pháp lývượt quá phạm vi ủy quyền được cho phép.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luậta tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, phạm vi ủy quyền và đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền

- Phạm vi ủy quyền:

Phạm vi ủy quyền là một khái niệm nhỏ trong phạm vi đại diện nói chung, khi nói đến phạm vi ủy quyền tức là chỉ xem xét phần phạm vi đại diện trong loại hình đại diện theo ủy quyềnPhạm vi ủy quyền được thể hiện rõ ràng trong nội dung ủy quyền, nó là giới hạn mà người được ủy quyền hành động để đem lại quyền và nghĩa vụ cho bên ủy quyền. Giới hạn này có thể được xác định bởi yếu tố số lượng công việc và/hoặc tính chất công việc, thời gian thực hiện công việc ủy quyền. Điều đặc biệt là, không có một quy chuẩn nào để xác định chính xác phạm vi ủy quyền mà phải dựa vào nội dung ủy quyền. Bên cạnh đó, nội dung ủy quyền lại phụ thuộc phần lớn vào ý chí của bên ủy quyền, nếu ý chí của bên ủy quyền được xác định rõ ràng, thì việc thực hiện công việc của bên được ủy quyền cũng thuận tiện hơn và nếu bên thứ ba biết được phạm vi ủy quyền cũng sẽ dễ dàng hiểu và kiểm soát được hành vi của mình cũng như của bên ủy quyền, giúp các bên đảm bảo lợi ích của mình một cách tối đa. Ngược lại, nếu phạm vi ủy quyền được thể hiện một cách chung chung, không rõ ràng sẽ gây khó khăn cho bên được ủy quyền khi xác định giới hạn hành động.

Điều này cũng gây khó khăn cho cả bên thứ ba trong việc hiểu rõ ý định của bên ủy quyền nếu họ được thông báo. Do phạm vi ủy quyền là vấn đề thuộc mối quan hệ pháp lý bên trong của quan hệ đại diện theo ủy quyền, nên nó không có giá trị ràng buộc bên thứ ba trong giao dịch. Hay nói cách khác, nó chỉ có giá trị ràng buộc giữa người ủy quyền và người được ủy quyền. Như vậy, phạm vi ủy quyền là giới hạn quyền đại diện mà người được ủy quyền được phép xác lập, thực hiện giao dịch nhân danh người ủy quyền, phạm vi ủy quyền được xác định theo nội dung ủy quyền. Thực tế, người được ủy quyền chỉ được hành động trong phạm vi mà người ủy quyền giao cho, khi họ hành động vượt quá phạm vi cho phép, thì bên ủy quyền không bị ràng buộc bởi những hành vi mà bên được ủy quyền thực hiện, tức là người được ủy quyền hành động không có sự chấp thuận của bên ủy quyền.

- Đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền:

Vấn đề người đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền cũng được quy định rõ trong pháp luật của nhiều quốc gia, cụ thể: Pháp luật dân sự Nhật Bản cũng thừa nhận hành vi đại diện vượt quá thẩm quyền đại diện nằm trong đại diện theo suy đoán bên ngoài khi và chỉ khi có căn cứ hợp lý để bên thứ ba tin rằng người đại diện thực hiện việc đại diện trong phạm vi ủy quyền của mình. Căn cứ hợp lý được đánh giá dựa trên khả năng của một người bình thường với sự quan tâm đến vấn đề giao dịch, thông qua người đại diện có thể nhận thức được hành vi của người được ủy quyền có hay không vượt ra ngoài phạm vi được cho phép. Pháp luật của Pháp còn dựa trên thuyết phê chuẩn và trách nhiệm của người đại diện không có thẩm quyền để xem xét việc chấp thuận hành vi đại diện không có ủy quyền và đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền.

Theo pháp luật Việt Nam, đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền không được quy định riêng biệt trong Bộ luật Dân sự, nó là một phần của các quy định về đại diện vượt quá phạm vi đại diện. Đối với đại diện theo ủy quyền, việc xác định phạm vi ủy quyền phụ thuộc vào nội dung ủy quyền và người được ủy quyền chỉ có quyền thực hiện các công việc trong phạm vi ủy quyền. Khi họ thực hiện các công việc không nằm trong nội dung được ủy quyền được coi là đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền.

- Đặc điểm của đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền:

Một là, có căn cứ phát sinh quan hệ đại diện: Đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền mang đặc điểm chung của đại diện, đó là có căn cứ phát sinh quan hệ đại diện. Khi vấn đề hành động vượt quá phạm vi ủy quyền được đặt ra, thì trước đó, giữa người ủy quyền và người được ủy quyền đã tồn tại mối quan hệ pháp lý bên trong, tức là, giữa họ đã có sự ủy quyền làm căn cứ phát sinh quan hệ đại diện. Đây là đặc điểm không thể thiếu của đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền, vì nếu không có căn cứ phát sinh quan hệ đại diện, thì người được ủy quyền ở đây lại được xem xét như người không có quyền đại diện và nếu không có sự ủy quyền, chúng ta cũng không biết được phạm vi ủy quyền để xem xét việc người được ủy quyền có hành động vượt quá phạm vi được người ủy quyền cho phép hay không.

Hai là, người được ủy quyền hành động nhân danh người ủy quyền: Dù hành động vượt quá phạm vi ủy quyền nhưng người được ủy quyền vẫn hành động dưới danh nghĩa của người ủy quyền. Thông thường, người được ủy quyền hành động nhân danh người ủy quyền trong phạm vi ủy quyền, tuy nhiên, vì một lý do nào đó, người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện hành động nhân danh người ủy quyền nhưng những công việc đó không nằm trong phạm vi được ủy quyền. Đặc điểm “hành động nhân danh người ủy quyền” là điều kiện không thể thiếu để xem xét hành vi đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền. Nếu người được ủy quyền hành động không nhân danh người được ủy quyền, thì không thể xem xét việc đại diện trong giao dịch.

Ba là, người được ủy quyền hành động vượt quá phạm vi ủy quyền: Đặc điểm cuối cùng của việc đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền chính là việc người được ủy quyền hành động ngoài phạm vi ủy quyền được cho phép. Như đã phân tích, người được ủy quyền chỉ được phép hành động trong phạm vi người ủy quyền cho phép. Việc họ hành động vượt quá giới hạn hầu như không được pháp luật các quốc gia công nhận, nhưng pháp luật có tính mềm dẻo và công bằng, do vậy, hành vi đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền sẽ được xem xét chấp thuận hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết, hành vi đó phải có đặc điểm này, nếu hành vi không có đặc điểm vượt quá phạm vi ủy quyền, nó có thể được xem xét dưới góc độ pháp lý khác.

Thứ hai, hậu quả pháp lý của đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền.

Trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích của người được đại diện, các hành vi đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với bên được đại diện. Tuy nhiên, nếu áp dụng nguyên tắc này một cách tuyệt đối sẽ làm cho giao dịch dân sựthông qua đại diện trở nên bất ổn, các bên trong giao dịch dân sự sẽ trở nên dè chừng hơn vì lợi ích của mình luôn bị đe dọa bởi đặc tính của quan hệ đại diện có những nội hàm thuộc về mối quan hệ pháp lý bên trong, khiến bên thứ ba không thể tiếp cận và lường trước được rủi ro hoặc khi hành vi đại diện không có ủy quyền và đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền diễn ra mà không phải do lỗi của bên thứ ba và quyền lợi giữa các bên trong giao dịch xảy ra xung đột. Thực tế cho thấy, quyền lợi của bên thứ ba cũng đáng được bảo vệ như quyền lợi của các bên còn lại.

Theo pháp luật Việt Nam, hậu quả pháp lý của việc đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền nằm trong quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015: “Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây: (a) Người được đại diện đồng ý; (b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; (c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện”.

Thực hiện hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền là một trong các yếu tố vi phạm điều kiện của quan hệ đại diện và đương nhiên nó không thể đem lại hậu quả pháp lý tương tự như quan hệ đại diện theo ủy quyền. Bên cạnh đó, pháp luật đã dự liệu các tình huống có thể xảy ra, trên cơ sở sự tự do ý chí của các bên, nếu người ủy quyền đồng ý hoặc biết mà không từ chối thì đó được coi là hành vi chấp thuận quan hệ đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền, sự chấp thuận đó kéo theo hậu quả pháp lý tương tự như đại diện theo ủy quyền. Mọi quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do người được ủy quyền xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi ủy quyền đều có giá trị ràng buộc người được đại diện. Đây có thể là một quy định khá mở, trong giao dịch được xác lập, thực hiện bởi người đại diện không có ủy quyền, nếu bên thứ ba thông báo đến người được đại diện hoặc người đại diện hợp pháp, dựa trên thông báo đó, người được đại diện hoặc người đại diện hợp pháp của họ chấp thuận thì mới phát sinh hậu quả pháp lý tương tự như đại diện theo ủy quyền.

Nếu không có sự chấp thuận, quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch đó không có giá trị ràng buộc người được đại diện. Quy định này dường như đã đặt người ủy quyền vào vị thế trọng tâm của mối quan hệ, buộc người ủy quyền phải có trách nhiệm quản lý việc ủy quyền của mình, cẩn trọng hơn trong việc ủy quyền; điểm đặc biệt, quy định này đã phần nào bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình. Như đã phân tích, việc ủy quyền là mối quan hệ pháp lý bên trong giữa người ủy quyền và người được ủy quyền, mặc dù pháp luật Việt Nam buộc người được ủy quyền phải thông báo về nội dung, phạm vi ủy quyền đến bên thứ ba trước khi thực hiện giao dịch, nhưng dù có được thông báo hay không, bên thứ ba vẫn là bên tiếp nhận thụ động các thông tin đó, sự trung thực của người được ủy quyền là yếu tố quan trọng hơn cả vì nếu người được ủy quyền cố tình hoặc vô tình thông báo không đầy đủ khiến bên thứ ba tin tưởng mà thực hiện giao dịch và hứng chịu hậu quả thì rõ ràng quyền lợi của bên thứ ba đang bị đe dọa và họ cần được bảo vệ.

Thông thường, hầu hết pháp luật dân sự các nước không tách biệt hậu quả pháp lý của việc đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền và đại diện không có ủy quyền hay nhìn nhận rộng ra là đại diện vượt quá phạm vi đại diện và đại diện bởi người không có quyền đại diện như pháp luật dân sự Việt Nam. Thay vào đó, họ quy định chung về hậu quả pháp lý của vấn đề này và tập trung vào việc quy định cách thức để nhận biết những hành vi đại diện vượt quá phạm vi đại diện, đại diện bởi người không có quyền đại diện làm phát sinh hậu quả pháp lý tương tự đại diện.

Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected]