-->

Góp vốn kinh doanh bằng giá trị nhãn hiệu và việc hoàn thiện khung pháp lý

Giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp

Góp vốn bằng nhãn hiệu mặc dù được ghi nhận trong hệ thống pháp luật nhưng ở Việt Nam chưa thực sự được cụ thể hóa, gây khó khăn cho các chủ thể. Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, các thương vụ góp vốn chưa nhiều, chủ yếu là góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu ở các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luậta tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, về định giá nhãn hiệu.

Việt Nam đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc định giá tài sảnrí tuệ, nhưng vẫn còn khá sơ sài. Các văn bản pháp luật hầu như không điều chỉnh trực tiếp vấn đề định giá tài sản trí tuệ mà chỉ đề cập tới các quy định mang tính chất nguyên tắc về cách thức tính toán dựa trên sổ sách của tài sản vô hình trong đó bao gồm các tài sản trí tuệ. Ngay cả Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các nghị định hướng dẫn thi hành là những văn bản pháp lý chuyên ngành về sở hữu trí tuệ cũng chưa quy định cụ thể về việc định giá TSTT.

Theo điểm e, điểm g khoản 2 Điều 4 Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định, thì nguyên giá của tài sản cố định vô hình là quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ là toàn bộ các chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra; nguyên giá tài sản cố định của các chương trình phần mềm được xác định là toàn bộ các chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã bỏ ra để có các chương trình phần mềm. Như vậy, định giá dựa trên chi phí là phương pháp sử dụng để xác định nguyên giá tài sản cố định vô hình.

Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính quy định việc xác định giá trị thương hiệu là để góp phần xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp khi định giá doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Theo đó, giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp. Như vậy, Thông tư này cũng dựa trên phương pháp chi phí để xác định giá trị thương hiệu.

Ngày 25/4/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 45/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định thay thế Thông tư số 203/2009/TT-BTC (Thông tư số 45/2013/TT-BTC). Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư số 45/2013/TT-BTC, thì nguyên giá của tài sản cố định vô hình là quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ là toàn bộ các chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra để có được quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Như vậy, Thông tư số 45/2013/TT-BTC cũng xác định giá trị của TSTT (đủ điều kiện được ghi nhận là tài sản vô hình) theo phương pháp chi phí.
Có thể thấy rằng, theo các quy định của pháp luật Việt Nam thì định giá tài sản trí tuệ chủ yếu là dựa trên phương pháp chi phí quá khứ.

Ưu điểm của phương pháp này là làm cho tài sản trí tuệ xuất hiện trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp với tư cách là một tài sản được hạch toán, do đó góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về giá trị kinh tế của tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, phương pháp chi phí lại bộc lộ khá nhiều nhược điểm nên không được áp dụng phổ biến trong thực tiễn định giá tài sản trí tuệ. Nhược điểm lớn nhất là chỉ sử dụng một yếu tố (chi phí) để xác định giá trị của tài sản trí tuệ mà không xem xét tới lợi ích kinh tế tương lai tài sản trí tuệ đó có khả năng mang lại.

Để khắc phục những khó khăn trong công tác định giá TSTT, ngày 07/01/2014, Bộ Tài chính đã cho ra đời Thông tư số 06/2014/TT-BTC ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 (Thông tư số 06/2014/TT-BTC). Thông tư này được xem là bước đột phá mới về quy định tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản vô hình tại Việt Nam. Điều 2 Thông tư số 06/2014/TT-BTC quy định: “Doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá hành nghề có trách nhiệm tuân thủ đúng các quy định tại tiêu chuẩn thẩm định giá ban hành kèm theo thông tư này trong quá trình thẩm định giá tài sản vô hình”.

Theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC, có 03 nhóm phương pháp được áp dụng để thẩm định giá: (i) Nhóm phương pháp định giá sử dụng cách tiếp cận chi phí; (ii) Nhóm phương pháp định giá sử dụng cách tiếp cận thị trường; (iii) Nhóm phương pháp định giá sử dụng cách tiếp cận thu nhập. Trong đó, nhóm phương pháp tiếp cận thu nhập cần được ưu tiên áp dụng khi định giá nhãn hiệu để góp vốn. Các nhóm phương pháp khác có nhược điểm là không xem xét đến giá trị tương lai của nhãn hiệu hoặc áp dụng tại Việt Nam là không khả thi.

Về thẩm quyền định giá, Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá.

Theo quy định trên có thể thấy, đối với các tài sản trí tuệ trong đó có nhãn hiệu, các thành viên, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu (khi góp vốn thành lập doanh nghiệp) hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, người góp vốn (khi góp vốn vào doanh nghiệp) có thể thỏa thuận định giá hoặc thông qua tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Tác giả cho rằng, như vậy là bất hợp lý, bởi vì liệu các thành viên, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị có đủ điều kiện và trình độ chuyên môn để định giá tài sản trí tuệ không? Bản thân tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, việc xác định giá trị của những tài sản này muốn đảm bảo độ chính xác phải sử dụng nhiều kỹ thuật rất phức tạp. Ngay cả khi tài sản trí tuệ được định giá bởi các tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp cũng chưa chắc đã mang lại kết quả đúng. Do vậy, trong thời gian tới, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cần được sửa đổi theo hướng đối với các tài sản trí tuệ trong đó có nhãn hiệu khi góp vốn phải do tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá.

Thứ hai, mâu thuẫn trong việc hạch toán nhãn hiệu.

Thực tế hiện nay cho thấy, việc hạch toán nhãn hiệu - một đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp được đem đi góp vốn là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Một mặt, vì các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp có thể dùng làm tài sản đem đi góp vốn khá đa dạng, mặt khác pháp luật về kế toán chủ yếu quy định về hạch toán giá trị thương hiệu (mà khái niệm thương hiệu không được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005). Những bất cập trong việc sử dụng thuật ngữ được tác giả phân tích ở phần trên cũng là một khó khăn cho việc hạch toán theo chế độ kế toán.

Vấn đề mấu chốt là việc hạch toán kế toán đối với quyền sử dụng nhãn hiệu đem góp vốn. Trước đây, theo Công văn số 3539/TCT-PCCS ngày 20/9/2006 của Tổng cục Thuế về việc sử dụng giá trị thương thiệu (trong Công văn này thì thương hiệu được hiểu là nhãn hiệu) bổ sung vốn chủ sở hữu, thì thương hiệu mặc dù là tài sản vô hình tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp. Nhưng theo Chuẩn mực kế toán số 04 ban hành và công bố kèm theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ Tài chính, thì thương hiệu không được ghi nhận là tài sản vì thương hiệu không phải là nguồn lực có thể xác định được, không đánh giá được một cách đáng tin cậy, doanh nghiệp không kiểm soát được.

Theo Thông tư số 203/2009/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định thì nhãn hiệu được xác định là tài sản cố định vô hình. Cụ thể, tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư số 203/2009/TT-BTC quy định tài sản cố định vô hình bao gồm quyền sử dụng đất, quyền phát hành, bằng sáng chế phát minh, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, sản phẩm, kết quả của cuộc biểu diễn nghệ thuật, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng và vật liệu nhân giống. Giá trị của quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện trên cơ chế thỏa thuận nhất trí của các thành viên/cổ đông góp vốn. Vì thế, căn cứ theo Thông tư này việc hạch toán quyền sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp nhận góp vốn có thể được thực hiện như hạch toán các tài sản góp vốn khác. Cụ thể là ghi tăng tài sản cố định vô hình và ghi tăng nguồn vốn kinh doanh.

Những vấn đề pháp lý về ghi nhận tài sản cố định vô hình hiện nay áp dụng theo Thông tư số 45/2013/TT-BTC. Điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư này vẫn giữ nguyên theo tinh thần của Thông tư số 203/2009/TT-BTC và coi nhãn hiệu là một loại tài sản cố định vô hình của doanh nghiệp. Để được ghi nhận là tài sản cố định vô hình thì nhãn hiệu phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 45/2013/TT-BTC, theo đó, mọi khoản chi phí mà doanh nghiệp đã chi ra phải thỏa mãn các tiêu chuẩn: (i) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó; (ii) Có thời gian sử dụng trên 01 năm trở lên; (iii) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) trở lên mà không hình thành tài sản cố định hữu hình được coi là tài sản cố định vô hình.

Tuy nhiên, Chuẩn mực kế toán số 04 không có nội dung nào ghi nhận nhãn hiệu là tài sản cố định vô hình, đây thực sự là một vướng mắc cho việc hạch toán tài sản. Thương hiệu có được coi là tài sản cố định vô hình của doanh nghiệp hay không vẫn còn nhiều hoài nghi. Theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 18 Thông tư số 202/2011/TT-BTC thì giá trị của thương hiệu (bao gồm nhãn hiệu và tên thương mại) được tính vào giá trị của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, trong Chuẩn mực kế toán số 04 lại không quy định thương hiệu là tài sản cố định để được định giá và tính vào giá trị doanh nghiệp.

Việc ban hành Thông tư số 45/2013/TT-BTC được xem là một bước đột phá khi có những quy định cụ thể hơn Thông tư số 203/2009-TT-BTC liên quan đến chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC thì nguyên giá của tài sản cố định vô hình (trong đó có nhãn hiệu) là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có tài sản cố định vô hình kể từ thời điểm đưa tài sản đó vào sử dụng theo dự tính. Doanh nghiệp nhận góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ phải hạch toán giá trị vốn góp bằng quyền sở hữu trí tuệ do bên góp vốn vào tài sản cố định và trích khấu hao vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ khi góp vốn. Như vậy, theo nguyên tắc về việc hoạch toán kế toán, chỉ có những quyền sở hữu trí tuệ có chi phí phát sinh thì mới được xem xét để hạch toán vào vốn góp thành lập doanh nghiệp.

Vấn đề ở đây là, đối với các doanh nghiệp nhận góp vốn thì thành viên góp vốn chuyển giao quyền sở hữu/quyền sử dụng nhãn hiệu cho doanh nghiệp và được hưởng các quyền lợi từ doanh nghiệp. Trong trường hợp này, việc xác định chi phí của doanh nghiệp phải bỏ ra để có quyền sở hữu/quyền sử dụng đối với nhãn hiệu đó được xác định như thế nào? Đây là một bất cập. Dù rằng pháp luật có quy định về việc doanh nghiệp nhận góp vốn bằng nhãn hiệu phải hạch toán giá trị vốn góp bằng nhãn hiệu do bên góp vốn vào tài sản cố định, nhưng lại chưa có quy định cụ thể việc hạch toán vào sổ sách kế toán của doanh nghiệp như thế nào? Vì chưa quy định cụ thể nên doanh nghiệp hạch toán cao hơn hoặc thấp hơn giá trị của nhãn hiệu thì xử lý ra sao? Hơn thế nữa, nguyên tắc chi phí phát sinh không thể phản ánh đúng giá trị thực của nhãn hiệu đó.

Thứ ba, cứng nhắc trong việc quy định về giao nhận nhãn hiệu khi góp vốn

Điểm b khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.

Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở sử dụng bao gồm nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại và bí mật kinh doanh thì việc góp vốn bằng quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng các đối tượng đó được thực hiện theo thủ tục giao nhận tài sản và có xác nhận bằng biên bản vì đây là những tài sản xác lập quyền sở hữu không qua thủ tục đăng ký theo điểm b khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Nhưng quyền sở hữu công nghiệp là tài sản vô hình nên không thể giao và nhận tài sản này như tài sản hữu hình. Do vậy, việc áp dụng như thế là cứng nhắc, vì tại thời điểm lập biên bản giao nhận nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại, bí mật kinh doanh, bản thân chúng là tài sản vô hình, không có hình thái vật chất thì các bên giao như thế nào, nhận như thế nào?

Thứ tư, xử lý phần vốn góp là giá trị nhãn hiệu khi hết thời hạn góp vốn, nhãn hiệu hết thời hạn bảo hộ.

Thỏa thuận góp vốn được xem là một giao dịch, nhãn hiệu là một tài sản vô hình, không phải là tài sản bảo bộ theo cơ chế bảo hộ tự động (như quyền tác giả…). Một nhãn hiệu muốn được bảo hộ phải thông qua thủ tục đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc thông qua thủ tục công nhận (đối với nhãn hiệu nổi tiếng).

Vậy nếu một cá nhân hoặc một tổ chức dùng nhãn hiệu do mình sở hữu để đem đi góp vốn nếu trong trường hợp nhãn hiệu hết thời hạn bảo hộ thì giá trị phần vốn góp của cá nhân hoặc tổ chức góp vốn (sau đây gọi là người góp vốn) sẽ xử lý như thế nào? Tư cách thành viên/cổng đông của người góp vốn sẽ xử lý như thế nào?

Rà soát trong quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho thấy, Điều 54 quy định về xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt như thành viên là cá nhân chết, mất năng lực hành vi dân sự, tổ chức bị giải thể hoặc phá sản, chuyển nhượng vốn góp, tặng cho trả nợ bằng phần vốn góp… mà không có bất cứ quy định nào liên quan đến việc xử lý phần vốn góp là giá trị quyền sở hữu trí tuệ khi hết thời hạn bảo hộ hoặc hết thời hạn góp vốn. Khoản 3 Điều 68 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định các hình thức giảm vốn điệu lệ cũng không có bất cứ quy định nào liên quan. Ngoài ra, khoản 3 Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định công ty có thể thay đổi vốn điều lệ nhưng cũng không có quy định về việc xử lý phần vốn góp là TSTT hết tình trạng bảo hộ độc quyền và hết thời hạn góp vốn.

Rà soát các văn bản dưới luật cũng chưa có bất cứ quy định nào về việc xử lý phần vốn góp là giá trị quyền sở hữu trí tuệ khi hết tình trạng bảo hộ hoặc hết thời hạn góp vốn. Đây là một vấn đề mà pháp luật còn bỏ ngỏ.

Trong trường hợp nhãn hiệu hết tình trạng bảo hộ độc quyền hoặc/và hết thời hạn góp vốn, có những tình huống nảy sinh như sau:

(i) Khi góp vốn vào một công ty, ngoài việc góp vốn bằng giá trị nhãn hiệu thì người góp vốn còn có thể góp vốn bằng các tài sản khác. Khi đó, nếu nhãn hiệu hết tình trạng độc quyền (có thể nhãn hiệu hết thời hạn bảo hộ mà người góp vốn không gia hạn, không được gia hạn hoặc bị Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hủy bỏ văn bằng bảo hộ hay nhãn hiệu nổi tiếng không còn được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng) thì người góp vốn có bị điều chỉnh giảm giá trị phần vốn góp là giá trị nhãn hiệu tại công ty nhận vốn góp không?
(ii) Người góp vốn chỉ góp vốn bằng giá trị nhãn hiệu mà không góp vốn bằng các tài sản khác. Khi đó nếu nhãn hiệu hết tình trạng độc quyền hoặc hết thời hạn góp vốn, thì người góp vốn có bị mất tư cách thành viên và công ty phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ?

Theo chúng tôi, với đặc thù là tài sản vô hình, thời hạn góp vốn phải trong thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu, theo khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, thì “giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm”, đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ vô thời hạn. Như vậy, khi góp vốn, căn cứ theo thời hạn trong thỏa thuận góp vốn để xác định thời điểm hết hiệu lực của thỏa thuận này, bên cạnh đó, khi góp vốn bằng nhãn hiệu, các bên phải lập hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng và đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hợp đồng này sẽ là căn cứ để xác định thời hạn có hiệu lực của thỏa thuận góp vốn theo thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu. Trường hợp thỏa thuận góp vốn không còn hiệu lực, thì người góp vốn bị mất tư cách thành viên hoặc giảm giá trị phần vốn góp trong công ty. Đồng thời, công ty phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ. Nếu góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu nhãn hiệu, thì khi hợp đồng (thỏa thuận) góp vốn hết thời hạn, bên nhận vốn góp là giá trị quyền sở hữu nhãn hiệu vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu (vì sau khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu khi góp vốn, bên nhận vốn góp là chủ sở hữu nhãn hiệu đó). Vậy lúc này, công ty có phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ không? Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có hướng dẫn nào liên quan đến trường hợp này nên nếu có phát sinh sẽ dẫn đến khó khăn trong thực tế.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected]