Ở không ít doanh nghiệp cổ phần, cổ đông đặt dấu hỏi về các giao dịch với bên liên quan khi họ phát hiện dấu hiệu đáng ngờ.
Thứ nhất, quy định chung của pháp luật Việt Nam.
Khoản 17 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về người liên quan như sau: "Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây: (i) Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó đối với công ty con trong nhóm công ty; (ii) Công ty con đối với công ty mẹ trong nhóm công ty; (iii) Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua cơ quan quản lý doanh nghiệp; (iv) Người quản lý doanh nghiệp; (v) Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối; (vi) Cá nhân được ủy quyền đại diện cho những người, công ty quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này; (vii) Doanh nghiệp trong đó những người, công ty quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của các cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó; (viii) Nhóm người thỏa thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty".
Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định một số hợp đồng, giao dịch với người liên quan, bên liên quan phải được phê duyệt. Ví dụ đối với công ty cổ phần, Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận: (i) Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ; (ii) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ; (iii) Doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác có sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần; doanh nghiệp mà những người có liên quan của họ cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng phần vốn góp hoặc cổ phần trên 10% vốn điều lệ.
Điều 159 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định công ty cổ phần phải thực hiện việc công khai hóa lợi ích và người có liên quan của công ty. Thông qua việc yêu cầu công bố thông tin thay vì hạn chế một số loại giao dịch, các cơ quan quản lý không đưa ra quan điểm liệu giao dịch bên liên quan có lợi hay bất lợi đối với công ty hay không. Người sử dụng báo cáo tài chính sẽ sử dụng xét đoán của mình để đánh giá xem các giao dịch với bên liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính có hợp lý hay không hoặc có xung đột lợi ích tiềm tàng hay không.
Thứ hai, thông lệ quốc tế đối với giao dịch các bên liên quan.
Về góc độ quản trị công ty, việc phê duyệt giao dịch bên liên quan thường được tập trung vào Hội đồng quản trị. Thông lệ các thị trường khác thì việc phê duyệt này được một ủy ban bao gồm các thành viên độc lập của Hội đồng quản trị thực hiện, ví dụ như Ủy ban đề cử và Quản trị công ty thuộc Hội đồng quản trị. Tại Việt Nam, hiện chưa có quy định cụ thể này.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đảm bảo tính độc lập của các thành viên Hội đồng quản trị này với các cổ đông kiểm soát? Có 3 phương pháp được áp dụng để trả lời được câu hỏi này: Thứ nhất, một số nước quy định cổ đông có quyền phê duyệt một số giao dịch nhất định, và các cổ đông có liên quan không được tham gia vào việc quyết định này. Thứ hai, một số nước cho phép cổ đông thiểu số có thể biểu quyết trực tiếp các thành viên Hội đồng quản trị họ lựa chọn để bảo đảm các thành viên hội đồng quản trị này không chỉ hướng theo lợi ích của cổ đông kiểm soát. Thứ ba, trong một số trường hợp quy định rõ cổ đông kiểm soát phải có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của các cổ đông khác và công ty.
Ủy ban kiểm toán soát xét các giao dịch với bên liên quan trọng yếu, đảm bảo thông tin về giao dịch với bên liên quan được công bố cụ thể chi tiết. Công ty thông báo cho nhân viên chính sách của công ty là không khuyến khích các giao dịch với bên liên quan.
Tất cả các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ phải thông báo vấn đề xung đột lợi ích (nếu có) trước khi công ty xem xét lựa chọn; xây dựng cơ chế giám sát các giao dịch bằng cách phân biệt người tạo lập giao dịch và người phê duyệt, đảm bảo nếu có giao dịch với bên liên quan thì người phê duyệt không phải là bên liên quan và đồng thời công bố báo cáo tài chính của các công ty con và các bên liên quan để cổ đông có thể có thông tin đầy đủ về giao dịch với bên liên quan...
Thành viên Hội đồng quản trị, các cổ đông kiểm soát của các công ty tại Ấn Độ cũng phải chịu trách nhiệm về các tổn thất của công ty nếu họ thực hiện các giao dịch liên quan để mang lại lợi ích cá nhân. Hàng năm, các cá nhân có quyền ra quyết định trong công ty phải làm cam kết xác nhận không có xung đột lợi ích khi thực hiện các quyết định và tuân thủ bộ quy tắc ứng xử của công ty.
Thứ ba, thực tế khi giao dịch các bên có quyền lợi liên quan.
Ở không ít doanh nghiệp cổ phần, cổ đông đặt dấu hỏi về các giao dịch với bên liên quan khi họ phát hiện dấu hiệu đáng ngờ. Chẳng hạn, tổng giám đốc là thành viên hội đồng quản trị đã ký các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu qua công ty do con dâu của vị Tổng giám đốc này góp vốn thành lập. Tuy nhiên công ty đã không công bố thông tin về giao dịch này.
Trên thực tế, rất nhiều trường hợp cổ đông nghi ngờ lợi nhuận của doanh nghiệp đã bị chuyển sang túi cá nhân thông qua các giao dịch với bên có liên quan. Cơ quan thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết thường xuyên nhận được các đơn thư phản ánh về vấn đề trên.
Trong những trường hợp như vậy, doanh nghiệp thường được yêu cầu phải giải trình làm rõ mối quan tâm của nhà đầu tư, cơ quan quản lý cũng vào cuộc làm rõ các thông tin liên quan. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu doanh nghiệp không vi phạm, cơ quan quản lý cũng sẽ có công văn trả lời nhà đầu tư để làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư lo ngại rằng, hậu quả của việc ém nhẹm các thông tin phải công bố về giao dịch với bên có liên quan lớn, nhưng mức độ xử phạt vi phạm hiện nay thấp, chưa đủ sức răn đe và buộc các doanh nghiệp phải thực thi nghiêm túc quy định này.
Ví dụ, tổng giám đốc một doanh nghiệp đã đại diện cho doanh nghiệp ký các hợp đồng vay vốn và chuyển tiền cho vay đối với tổ chức có liên quan với công ty. Gần 1 năm sau, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện vi phạm và ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm.
Thứ tư, quản trị giao dịch liên quan một cách hiệu quả.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể xem xét để quản trị giao dịch bên liên quan một cách hiệu quả bằng cách: Xây dựng chính sách, quy trình đối với giao dịch với các bên liên quan: các chính sách này cần quy định việc trình bày các lý do có giao dịch với bên liên quan, xác định giá giao dịch, việc ghi chép giao dịch, quy trình phê duyệt và trình bày thông tin.
Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp cần thực hiện các quy trình để: xác định giao dịch các bên liên quan; tiến hành phân tích giá giao dịch bao gồm xác định phương pháp xây dựng giá, các rủi ro có thể liên quan để đảm bảo giao dịch thực hiện trên cơ sở trao đổi ngang giá; quy định các tài liệu ghi chép tối thiểu cần có cũng như lên danh sách các việc cần làm đối với giao dịch; xác định các hợp đồng có giao dịch liên quan cần có sự phê duyệt phù hợp; xây dựng khung cơ chế thu thập thông tin giao dịch với bên liên quan để có thể trình bày đầy đủ và chính xác.
Soát xét lại các thủ tục kiểm soát đối với giao dịch các bên liên quan: soát xét lại các thủ tục kiểm soát liên quan đến công nghệ thông tin, thủ tục kiểm soát để có thể nhận diện giao dịch với các bên liên quan; rà soát lại thủ tục kiểm soát liên quan đến phê duyệt, phân tích dữ liệu và đưa ra các khuyến nghị để cải thiện quy trình và kiểm soát đối với giao dịch các bên liên quan được tốt hơn. Chức năng này cần được thực hiện bởi bộ phận kiểm toán nội bộ và báo cáo kết quả lên Ủy ban Kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị.
Như vậy có thể thấy, bản chất của giao dịch với bên liên quan không phải là tiêu cực và trên thực tế các doanh nghiệp không thể hoàn toàn không có giao dịch với bên liên quan. Điều quan trọng là làm tốt các hoạt động Quản trị công ty để hạn chế những ảnh hưởng bất lợi của các giao dịch với bên liên quan, tránh nguy cơ trục lợi và bảo vệ lợi ích của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận