-->

Giải thích lý do bị Tòa trả lại đơn ly hôn

Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn.

Hỏi: Em gái tôi quan hệ trước hôn nhân ở độ tuổi 14 và sau đó sinh một bé gái tính đến nay đã tròn 10 năm. Khi đủ độ tuổi kết hôn em gái tôi làm giấy đăng ký kết hôn với em rể tôi. Đến nay mâu thuẫn gia đình gay gắt nên đồng thuận ký giấy ly hôn nhưng đến tòa án thì không giải quyết vì có quy định quan hệ trước tuổi vị thành niên phải đợi đến 15 năm mới hết án. Mặc dù hai bên đồng thuận ly hôn nhưng không được giải quyết. Đề nghị Luật sư tư vấn, giải thích giúp chúng tôi? (Vũ Hiếu - Điện Biên)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Hoàng Ngọc Ánh - Tổ tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, về việc tòa không giải quyết đơn ly hôn:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ) quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn”.

Theo đó việc yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn có thể theo ý chí của một bên vợ hoặc chồng hoặc cả vợ và chồng. Hiện nay, do mâu thuẫn gay gắt, mục đích hôn nhân không đạt được đây được coi là một căn cứ để một trong hai bên có quyền yêu cầu đơn phương ly hôn hay cả hai thuận tình lý hôn.

Theo Điều 55 Luật HN&GĐ quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”.

Như vậy, trong trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn, “thật sự tự nguyện ly hôn” của vợ chồng là căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn, “thật sự tự nguyện ly hôn” là cả hai vợ chồng đều được tự do bày tỏ ý chí của mình, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối trong việc thuận tình ly hôn. Việc thể hiện ý chí thật sự tự nguyện ly hôn của hai vợ chồng đều phải xuất phát từ trách nhiệm đối với gia đình họ, phù hợp với yêu cầu của pháp luật và chuẩn mực, đạo đức xã hội. Nếu thiếu sự tự nguyện của một trong hai bên hoặc cả hai bên thì tòa án không thể công nhận thuận tình ly hôn. Thông thường, nếu thuận tình ly hôn thiếu sự tự nguyện của vợ, chồng được biểu hiện như: một bên bị cưỡng ép, bị lừa dối; một bên vì sĩ diện tự ái; vợ chồng thuận tình ly hôn giả….

Tuy nhiên, nếu tòa án xác định tình trạng hôn nhân chưa đến mức “hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài,mục đích hôn nhân không đạt được” thì Tòa có thể không chấp nhận đơn ly hôn.

Thứ hai, về việc quan hệ tình dục ở tuổi chưa thành niên:

Theo thông tin anh (chị) cung cấp thì em rể và em gái anh (chị) phát sinh quan hệ khi em gái mới 14 tuổi nhưng lại không đề cập đến em rể anh (chị) khi thực hiện hành vi này là bao nhiêu tuổi. Do đó, sẽ có những trường hợp sau đây:

- Trường hợp 1: em rể anh (chị) đã đủ tuổi thành niên theo quy định của pháp luật hình sự (từ đủ 18 tuổi trở lên). Trường hợp này em rể anh (chị) đã đủ tuổi thành niên mà có quan hệ với em gái anh (chị)14 tuổi thì em rể anh (chị) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giao cấu với trẻ em theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS): “1. Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: d, Làm nạn nhân có thai;”.

Như vậy, nếu em rể anh (chị) thuộc vào trường hợp này thì có thể phải chịu mức hình phạt từ ba năm đến mười năm tù theo điểm d khoản 2 Điều 115 BLHS vì khi quan hệ tình dục em gái anh (chị) đã có thai.

Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS: “tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù;” thì em rể anh (chị) phạm tội rất nghiêm trọng.

Điều 23 BLHS quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: “1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: a) Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng; c) Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng. 3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện”.

Như vậy, hành vi quan hệ tình dục xảy ra cách đây hơn 10 năm nhưng thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp này là 15 năm. Do đó, hành vi của em rể anh (chị) bị vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 115 BLHS do vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Trường hợp 2: Em rể anh (chị) chưa đủ tuổi thành niên theo quy định của pháp luật hình sự (từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi). Trường hợp này nếu em gái anh (chị) đồng ý quan hệ thì khi em rể anh (chị) chưa đủ tuổi thành niên thì em rể anh (chị) sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Tóm lại, Tòa không chấp nhận đơn ly hôn của em gái anh (chị) do Tòa nhận thấy tình trạng hôn nhân chưa trầm trọng mà không liên quan đến việc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Ở đây có thể do anh (chị) nhầm lẫn. 15 năm mà Tòa nhắc đến ở đây là thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của em rể anh (chị). Do anh (chị) không cung cấp thông tin khi thực hiện hành vi giao cấu em rể anh (chị) bao nhiêu tuổi nên dựa vào những trường hợp phân tích trên để xác định xem trường hợp của em rể anh (chị) thuộc trường hợp nào và còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.